Đề xuất nấu ăn trong trường mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại: Hợp tình, hợp lý

GD&TĐ - Với tính chất công việc đặc thù, nhân viên nuôi dưỡng tại trường mầm non công lập mong được các cấp quan tâm, cải thiện chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Công việc của nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG
Công việc của nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG

Việc nặng, lương không cao

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GD&ĐT cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị nghiên cứu, đánh giá, quyết định bổ sung công việc “nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên” thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo đó, với tính chất đặc thù của cấp mầm non, việc giáo dục trẻ trên lớp và chăm sóc, nuôi dưỡng là hai nhiệm vụ quan trọng, song hành và không thể tách rời. Cùng với dạy trẻ, việc nấu ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu vị, yêu cầu an toàn, vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và đảm bảo sức khỏe. Do đó, công việc của nhân viên nuôi dưỡng cần được quan tâm thực hiện các chế độ chính sách hợp lý.

Chị Lê Thị Thúy - nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non 1/6, huyện Ba Vì (Hà Nội) vào nghề từ tháng 1/2010, đến nay hưởng lương bậc 6, hệ số 2,86 - tương đương 4.694.000 đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm. Với gần 500 trẻ đang theo học, công việc hằng ngày của nhân viên nuôi dưỡng rất vất vả khi phải lo chừng đó suất ăn cho cả cô và trò, thu nhập thấp mà không có thêm phụ cấp.

“Chồng là bộ đội thường xuyên công tác xa nhà, may mắn có ông bà hỗ trợ trông nom hai con nhỏ nên cũng đỡ phát sinh chi phí. Chúng tôi gắn bó với bếp ăn ở trường từ sáng đến chiều tối, về lại lo cơm nước cho con cái nên không thể có thời gian làm thêm công việc khác để cải thiện thu nhập. Với mức lương hiện tại của cả hai vợ chồng cũng chỉ ở mức đủ sống và tằn tiện chi tiêu. Vì thế, chúng tôi tha thiết mong Nhà nước quan tâm để cải thiện chế độ đãi ngộ”, chị Thúy bày tỏ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu - nhân viên nuôi dưỡng tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, giờ làm việc mỗi ngày thường kèo dài từ 6 giờ 45 phút - 16 giờ 30 phút. Nhân viên bếp phải làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn, nhiệt độ cao từ bếp công nghiệp, dầu mỡ, nồi áp suất; độ ẩm cao; thường xuyên trong tư thế gò bó tại khu sơ chế, chế biến thực phẩm, bưng bê xoong nồi nặng. Tại các trường không có thang máy, nhân viên bếp phải bưng bê đồ ăn, bát thìa leo cầu thang lên tầng trên rất vất vả.

Nhân viên bếp thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại nguyên liệu gây kích thích niêm mạc mắt, mũi, da. Khi làm phải sử dụng nhiều đồ dùng, trang thiết bị dễ gây tai nạn. Trong quá trình làm việc đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc, có người mất đốt ngón tay, mang thương tật vĩnh viễn hoặc bỏng hơi, bỏng ga…

“Lương quá thấp khi có người làm 15 năm mà mỗi tháng chỉ nhận chưa đến 5 triệu đồng thì khó gắn bó với nghề. Chúng tôi đã gửi tâm thư nêu rõ khó khăn, vất vả, thiệt thòi đang phải chịu tới các cơ quan chức năng. Chúng tôi mong Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện về chế độ tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non công lập tương xứng với tính chất công việc. Chỉ có như vậy mới mong giữ chân người lao động”, chị Thu kiến nghị.

TS Trương Kim Oanh có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Ảnh: TG

TS Trương Kim Oanh có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Ảnh: TG

Động thái cần thiết

Từng nhiều năm công tác tại Trung tâm Giáo dục Mầm non (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), TS Trương Kim Oanh đánh giá, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung công việc nấu ăn cho các trường mầm non công lập thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là động thái cần thiết và hoàn toàn hợp lý. Thực tế cho thấy, đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non khá vất vả nhưng thu nhập thấp, chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định: Nghề nấu ăn cho từ 100 suất trở lên chỉ được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm khi diễn ra tại các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể và trong lĩnh vực du lịch (điều kiện lao động loại IV).

Trong khi đó, công việc nấu ăn của nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non công lập không thuộc đối tượng trong danh mục của thông tư này. Đây là một thiệt thòi với nhân viên nuôi dưỡng.

Theo văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối chiếu với “việc nấu ăn trong các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể có từ 100 suất ăn trở lên” trong lĩnh vực du lịch, công việc nấu ăn của nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non có nhiều điểm tương đồng khi cùng nấu ăn với số lượng lớn, điều kiện làm việc thậm chí khó khăn hơn do nhân sự ít, cơ sở vật chất hạn chế, thường xuyên làm việc ngoài trời dưới thời tiết khắc nghiệt.

“Vì những lý do trên, tôi hoàn toàn tán thành việc các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, đưa công việc nấu ăn của nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Từ đó, Nhà nước có các chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất công việc của đội ngũ này. Đồng thời, tạo cơ chế để nhân viên nuôi dưỡng được hưởng lương theo bằng cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước”, TS Trương Kim Oanh trao đổi thêm.

Đồng cảm với vất vả của nhân viên nuôi dưỡng, cô Vũ Thị Nhuận - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thịnh (Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay, trường hiện có hơn 400 trẻ theo học và có 11 nhân viên nuôi dưỡng.

Công việc của các nhân viên bếp khá vất vả khi thời gian làm việc cũng tương đương với giáo viên mầm non mà chưa được thêm phụ cấp nào từ ngân sách Nhà nước. Trong thời gian tới rất mong lãnh đạo các cấp quan tâm hơn về chế độ cho đội ngũ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nồi nấu nước dùng bằng điện sản xuất giá rẻmón gà bó xôi nguyên con Top 5 lò vi sóng nội địa Nhật chất lượng Fushima Chuyên thiết bị bếp công nghiệp Máy vắt cam Smeg đức chính hãng