(GD&TĐ) - Thực hiện công văn số 1951-CV/BTGTW ngày 08/3/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới, sáng nay 8/5 Đoàn khảo sát liên ngành Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học & Công nghệ đã làm việc với Bộ GD&ĐT về phát triển khoa học và công nghệ tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng đã làm việc với Đoàn.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, PGS.TS Tạ Đức Thịnh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, cả nước có 188 trường đại học và 226 trường cao đẳng. Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của 3 đại học vùng (gồm 21 trường đại học thành viên), 32 trường đại học, học viện, 3 trường cao đẳng, 2 viện nghiên cứu. Cơ sở vật chất của các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ gồm 3.200 phòng học, hơn 300 phòng máy tính, 420 phòng đọc thư viện với 176.000m2, 868 phòng thí nghiệm các loại. So với đội ngũ cán bộ khoa học của cả nước thì đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu của các cơ sở GDĐH chiếm tỷ lệ khá cao, hoạt động chuyên môn trong hầu hết các lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kinh tế, khoa học giáo dục, khoa học kỹ thuật - công nghệ, khoa học nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, tài nguyên và môi trường.
Cần nhiều hơn nữa những phòng thí nghiệm hiện đại thế này (Phòng thí nghiệm tại ĐHQG Hà Nội - ảnh Bùi Tuấn) |
Hoạt động khoa học và công nghệ của các trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ GD&ĐT mang tính đa ngành, đa lĩnh vực và nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực khoa học. Lĩnh vực hoạt động của các tổ chức KH&CN ngày càng đa dạng, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Việc gắn kết chặt chẽ với quá trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, là điểm khác biệt quan trọng của các trường đại học so với các tổ chức khoa học và công nghệ khác, đem lại hiệu quả tích cực. Hoạt động KH&CN của các trường đại ĐH, CĐ được đặt trong mối quan hệ mật thiết với hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với GD&ĐT, KH&CN luôn được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu. Đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành, tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Đa số các trường đại học trọng điểm của đất nước là các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tiềm lực KH&CN mạnh, đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ NCKH các cấp, có năng lực hợp tác quốc tế về KH&CN. Đầu tư của nhà nước cho hoạt động KH&CN của Bộ đã được tăng lên. Cơ chế tài chính, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN đã dần được đổi mới. Vị thế của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác quốc tế về KH&CN.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng còn có nhiều khó khăn cần khắc phục. Đó là việc: Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động KH&CN còn thiếu, chưa đồng bộ, chậm ban hành; Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN mặc dù đã được đổi mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xây dựng nhiệm vụ KH&CN , công tác đánh giá kết quả nghiên cứu chậm đổi mới. Công tác thanh, quyết toán đề tài còn rườm rà, mang nặng tính hành chính, lạc hậu; Thiếu hụt đội ngũ các nhà khoa học trình độ cao; Giảng viên chịu áp lực cao về giờ giảng, không có thời gian cho NCKH. Chưa có định biên nghiên cứu cho các trường đại học, đặc biệt là ở các trường đại học trọng điểm; Cơ sở vật chất cho NCKH nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đồng bộ; Hoạt động gắn kết NCKH với đào tạo thiếu chặt chẽ, chưa tổ chức tốt việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống; Chưa tạo lập được thị trường KH&CN, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN; Kinh phí đầu tư cho KH&CN mặc dù đã tăng nhiều hơn so với giai đoạn trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; Chưa có chiến lược, cơ chế và chính sách sử dụng hợp lý và tạo động lực đủ mạnh cho đội ngũ làm công tác khoa học và phát triển KH&CN các trường ĐH, CĐ, đặc biệt những người có tài năng. Vì vậy, chưa tạo dựng được nhiều tổ chức nghiên cứu là các mũi nhọn, đầu ngành, cũng như chưa xây dựng được các nhóm, tập thể nghiên cứu mạnh trong từng trường và liên trường.
Đề xuất với Đoàn khảo sát, PGS.TS Tạ Đức Thịnh đã đưa ra kiến nghị với các nhóm giải pháp, theo đó nhóm giải pháp vể Tài chính là: Tăng cường đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN của ngành GD&ĐT; Đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN; Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở nghiên cứu, các viện với các trường đại học và cơ sở đào tạo để phối hợp, cộng tác nghiên cứu nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các đơn vị này; Xây dựng các giải pháp thúc đẩy quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm tăng nguồn thu từ các hoạt động này cho các cơ sở nghiên cứu; Xây dựng các doanh nghiệp KH&CN trong trường đại học, phát triển mô hình ươm tạo công nghệ nhằm thu hút các nguồn lực tài chính của xã hội cho hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ; Xây dựng cơ chế khoán đối với các đề tài, dự án KH&CN; Xây dựng quỹ phát triển KH&CN của Bộ GD&ĐT nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho hoạt động NCKH và phát triển công nghệ của các cơ sở giáo dục và nghiên cứu trong cả nước; Xây dựng và phát triển chợ công nghệ trên mạng để tiếp nhận đơn đặt hàng NCKH và mua bán công nghệ, thiết bị, máy móc, sản phẩm; Tăng cường đầu tư tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước cho cơ sở vật chất phục vụ hoạt động KH&CN của các cơ sở nghiên cứu và đơn vị giáo dục; Tăng cường thiết bị nghiên cứu gắn với đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên lành nghề và sử dụng hiệu quả thiết bị nghiên cứu đã có trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với các đề tài nghiên cứu và hợp tác trong sử dụng thiết bị; Hình thành chuỗi các phòng thí nghiệm chuyên ngành để phục vụ NCKH, tập trung vào các ngành đào tạo mũi nhọn và ưu tiên để có đủ điều kiện phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có thể thực hiện cùng nghiên cứu hoặc nghiên cứu thuê cho các doanh nghiệp các trường đại học và viện nghiên cứu của nước ngoài; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ của ngành; Xây dựng các giải pháp tạo động lực thu hút đội ngũ cán bộ của các cơ sở giáo dục tham gia nghiên cứu khoa học, cung cấp các công nghệ, sản phẩm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của xã hội; Xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia NCKH tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho đào tạo sau đại học, gắn đề tài luận án tiến sỹ với các đề tài KH&CN các cấp; Xây dựng cơ chế đồng tài trợ giữa Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu để thực hiện các hợp đồng NCKH và cung cấp công nghệ, sản phẩm và giải pháp mới; Triển khai kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống các tạp chí KH&CN đầu ngành trong các trường đại học ngang tầm khu vực và quốc tế; Tăng cường năng lực hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.
Nhóm giải pháp về nhân lực là: Xây dựng chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ; Hình thành và xây dựng các nhóm, các tập thể KH&CN mạnh theo các hướng đa ngành, liên ngành để đề xuất, xây dựng các chương trình nghiên cứu phát triển GD&ĐT, phát triển KT-XH của đất nước; Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động KH&CN của các đơn vị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trong điều kiện tăng cường phân cấp, tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong hoạt động KH&CN; Đề xuất các hình thức khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với các nhà giáo có kết quả nghiên cứu có giá trị và được công bố trên các tạp chí quốc tế; Nghiên cứu, đề xuất với nhà nước các danh hiệu, giải thưởng để vinh danh các nhà khoa học, các nhà giáo có thành tích trong hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết: Là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng, ban hành các văn bản quản lý về hoạt động KH&CN trong toàn ngành, trong đó chú trọng xây dựng mô hình quản lý gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo trong các trường đại học, đặc biệt là gắn NCKH với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng định hướng nghiên cứu, đổi mới toàn diện GDĐH, trong đó đổi mới quản lý giáo dục trong điều kiện hội nhập quốc tế. Bộ GD&ĐT và Đoàn khảo sát đã cùng thống nhất quan điểm về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai các hoạt động KH&CN trong ngành Giáo dục hiện nay, cũng như các kiến nghị về giải pháp và chính sách đầu tư cho phát triển KH&CN. Cũng như việc cần xây dựng cơ chế phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính để các hoạt động nghiên cứu KH&CN ngày càng phát triển.
Yên Thúy