Đề xuất giảm 2% thuế VAT hết năm 2024 đem lại lợi ích kép

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, khác với các chính sách hỗ trợ chủ yếu dành cho doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân.

Người dân và doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích nếu đề xuất giảm 2% thuế VAT được kéo dài đến hết năm 2024. (Ảnh minh họa: INT)
Người dân và doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích nếu đề xuất giảm 2% thuế VAT được kéo dài đến hết năm 2024. (Ảnh minh họa: INT)

Ai hưởng lợi?

Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn.

Sau quý I/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 73.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ở trong nước, dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Trước đề xuất này, nhiều người tiêu dùng cảm thấy phấn khởi bởi giá cả các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày giảm nhẹ. Chị Hoàng Nhung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nếu như việc giảm thuế VAT còn 8% được tiếp tục áp dụng, thì thực sự đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho người tiêu dùng vì các loại mặt hàng sẽ được mua với giá rẻ hơn.

Đồng quan điểm, chị Hà Linh (chủ quán đồ Âu) tại quận Ba Đình cho rằng, số tiền giảm thuế 2% VAT tưởng là nhỏ, nhưng với mức chi tiêu của gia đình 3 - 4 thành viên tại các thành phố lớn thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

“Nhìn rộng ra toàn xã hội sẽ là số tiền lớn. Tiền đó lại được đem tiêu dùng. Đó là động lực thúc đẩy gia tăng sức mua vốn đang xuống rất thấp như hiện nay. Đây cũng là điều mà những người kinh doanh rất mong mỏi”, chị Linh nói.

Các chuyên gia cho rằng, khác với các chính sách hỗ trợ chủ yếu dành cho doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân, qua đó kích thích tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế.

Tạo động lực phát triển kinh tế

Đánh giá về việc tiếp tục giảm thuế trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, việc áp dụng giảm 2% thuế VAT làm giảm thu 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng/tháng).

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, việc giảm 2% thuế VAT khiến thu ngân sách giảm 23.488 tỷ đồng. VAT tiếp tục giảm trong nửa cuối năm sẽ khiến ngân sách của cả năm 2024 giảm thu khoảng 47.488 tỷ đồng.

Theo Chính phủ, giai đoạn năm 2020 - 2023, các giải pháp tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng giá trị các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, lên tới 700.000 tỷ đồng.

Với các giải pháp đã được ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là 68.000 tỷ đồng.

Việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và chính sách tài chính thời gian qua đã tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nó là nhân tố quan trọng giúp ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Theo chuyên gia Trần Minh Phong, các doanh nghiệp rất hoan nghênh nếu tiếp tục được gia hạn việc giảm thuế VAT. Động thái này sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; đồng thời sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thêm thị trường, thêm bạn hàng, tăng quy mô.

“Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% cho đến hết năm 2024 thể hiện chính sách đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng. Điều này cũng hỗ trợ và kích thích sản xuất cho các doanh nghiệp.

Lợi ích của việc giảm thuế đã được chứng minh trong hơn một năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, với mục tiêu tăng trưởng 6,5%, việc tăng tổng cầu của nền kinh tế là rất quan trọng. Do đó, biện pháp giảm thuế VAT vẫn là một trong những biện pháp hữu hiệu”, chuyên gia Phong cho biết.

Bà Phạm Kim Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Groovy nhìn nhận, theo tính toán, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục áp dụng chính sách này đến hết năm 2024 mang lại nhiều lợi ích.

“Thứ nhất là nó sẽ giúp kích cầu trong bối cảnh cầu trong nước còn yếu. Thứ 2 là góp phần gián tiếp làm giảm lạm phát vì giá cả giảm. Thứ 3, việc cho hết thời hạn năm nay là phù hợp. Hy vọng sang năm tới, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn. Khi kinh tế trong nước phục hồi tích cực hơn thì có thể cân nhắc chấm dứt chính sách này”, bà Linh nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy việc tiếp tục giảm thuế VAT trong những tháng cuối năm là giải pháp cần thiết. Về trung hạn cũng cần tính đến thời điểm khi mà nền kinh tế quay trở lại với tăng trưởng cao và bền vững thì cần tính đến việc không áp dụng những biện pháp giảm thuế mà thay vào đó là các biện pháp khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ