Đề xuất giải pháp biên chế sự nghiệp giáo dục

GD&TĐ - Ngày 22/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ”. TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tham dự và chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo thực hiện theo Quyết định số 2304/QĐ-BGDĐT ngày 13/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Tham dự còn có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện chuyên viên Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội Vụ; Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính; lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các phòng Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học…

Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố việc thực hiện xã hội hóa (XHH) buổi học thứ 2 trong ngày đối với cấp học mầm non, tiểu học (thực hiện theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế) cho thấy:

Ở cấp mầm non vẫn còn thiếu GV. Năm học 2019- 2020 toàn quốc thiếu 45.242 GV. Bình quân GV/lớp toàn quốc đạt 1,82 GV/lớp. Trong đó vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: 1,79 GV/lớp; Vùng Đồng bằng sông Hồng: 1,97 GV/lớp; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung: 1,76 GV/lớp; Vùng Đông Nam Bộ: 1,80 GV/lớp; Vùng đồng bằng sông Cửu Long: 1,73 GV/lớp. Toàn quốc có 32/63 tỉnh dưới 1,8 GV/lớp.

Một số địa phương không hợp đồng được GV nên việc bố trí đủ GV/nhóm, lớp theo quy định còn gặp khó khăn, điển hình ở một số trường vẫn đang còn thiếu GV, một số nơi chỉ có 1 GV/lớp.

Những nguyên nhân được chỉ ra là GV mầm non phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc; GV mầm non đa số là nữ, nghỉ thai sản nhiều, không có người dạy thay; Chế độ chính sách chưa phù hợp; Quá tải sĩ số trẻ/lớp…

Về thực hiện XHH buổi học thứ 2 ở cấp Tiểu học, theo số liệu của Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục năm học 2019- 2020 cho thấy cả nước có tổng số 15.110 trường tiểu học với 14.476 điểm trường lẻ, trong đó số trường tiểu học công lập là 14.815; trường tiểu học ngoài công lập là 295. Số lớp học là 282.895, số GV hiện có là 403.371. Thiếu khoảng 19.474 GV. Số GV đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn đạt 99,9%.

Tỉ lệ GV/lớp, bình quân cả nước đạt 1,38 GV/lớp. Hầu hết các tỉnh đạt tỉ lệ 1,3-1,4 GV/lớp. Chỉ một số ít tỉnh đạt tỉ lệ 1,5 GV/lớp. Với tỉ lệ này các tỉnh cơ bản thực hiện được việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với phương án 32 tiết/tuần. Tuy nhiên sẽ khó khăn đối với một số tỉnh tỉ lệ GV/lớp thấp…

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Trong những năm qua, công tác XHH được đẩy mạnh, góp phần tăng nhanh số lượng và tỉ lệ trẻ mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Một số hoạt động giáo dục trong nhà trường đã huy động nguồn lực xã hội.

Để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc – giáo dục trẻ theo Chương trình Giáo dục mầm non quy định, việc thực hiện XHH tổ chức học 2 buổi/ngày, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đều thực hiện thu thỏa thuận với cha, mẹ trẻ để chi trả tiền ăn bán trú, thu phục vụ ăn sáng cơ sở vật chất hục vụ bán trú, giữ trẻ ngày thứ 7, học ngoài giờ chính khóa…

Đối với cấp tiểu học, việc trả tiền dạy thêm giờ cho GV ở những nơi tỉ lệ GV chưa đạt 1,5 GV/lớp, hợp đồng GV, nhất là GV tiếng Anh, Tin học; các hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp, tham quan, dã ngoại…

Hiện nay, một số địa phương đã tham mưu UBND tỉnh  ban hành cơ chế, chính sách thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại địa phương. Quy định về các khoản thu và việc sử dụng các khoản thu theo thỏa thuận trong các cơ sở giáo dục, qua đó tạo cơ chế pháp lý cho việc huy động nguồn kinh phí XHH cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh yêu cầu các địa phương tập trung chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp xung quanh vấn đề như: Việc XHH để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở 2 cấp học MN và TH; Những khó khăn, bất cập về chế độ chính sách đối với CBQL, GV, NV cấp MN, TH; Đề xuất các giải pháp XHH để triển khai dạy học 2 buổi/ngày đối với trẻ MN, TH; Các giải pháp có đủ GV thực hiện 2 buổi/ngày.

Thứ trưởng cho rằng, nếu không bảo vệ được quyền lợi của GV, HS - đó là lỗi của ngành giáo dục. Do đó Bộ GD&ĐT rất cần đại diện các địa phương đưa ra ý kiến phát biểu khách quan, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề khó khăn, bất cập.

Cùng đó cần tăng cường sự phản biện trong các ý kiến bởi sự phản biện sâu sắc bao nhiêu càng tốt cho những quyết sách của Bộ GD&ĐT bấy nhiêu.

Mặt khác cũng cần đưa ra những đề xuất, giải pháp, “hiến kế” cho ngành giáo dục tháo gỡ đồng bộ. Những đề xuất, biện pháp nêu lên tại Hội thảo sẽ được Bộ GD&ĐT xem xét nghiên cứu và trình Chính phủ.

Đại diện ngành GD&ĐT Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Cần Thơ, Quảng Tri, Gia Lai, Bắc Ninh... đã chia sẻ thực trạng địa phương, đồng thời nêu lên kinh nghiệm, giải pháp, đề xuất trong việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nêu rõ: Đối với cấp Tiểu học, từ nay đến năm học 2025 dạy học song song hai Chương trình (2018 và 2006). Với chương trình 2006, thực hiện chủ trương XHH như sau: Do chương trình thiết kế học 1 buổi/ngày nhưng hiện nay các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (trên 86%). Vì vậy thực hiện chủ trương XHH phải xem xét để trường chưa đủ 1,5 GV/lớp sẽ XHH hợp đồng GV theo chính sách từng địa phương. Trường đủ 1,5 GV/lớp sẽ không XHH hợp đồng GV mà XHH các nội dung nhu cầu người học như bán trú, các câu lạc bộ…

Chương trình 2018 thực hiện cuốn chiếu từ lớp 1 đến 5. Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định quy định đủ biên chế dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của Chương trình theo thông tư 32/2018 (GV đủ 1,5 GV/lớp theo quy định). Thực hiện XHH các nội dung theo nhu cầu người học như bán trú, câu lạc bộ và các hoạt động trải nghiệm theo nhu cầu….

Đối với GDMN, việc XHH hoạt động bán trú và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã được quy định tại NĐ 105. Đề nghị các địa  phương xây dựng kế hoạch hướng dẫn  các cơ  sở giáo dục triển khai thực hiện.

Trách nhiệm của nhà trường và gia đình trong thực hiện chế độ sinh hoạt cần được quy định rõ trong CTGDMN (đã có dự thảo sửa đổi); Việc sử dụng kinh phí XHH giáo dục để hợp đồng lao động GV mầm non đảm bảo đủ định mức theo quy định cần đưa vào nghị định thay thế Nghị định 16 đang được Bộ Tài chính chủ trì trình Chính phủ ban hành…

Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 86 quy định về học phí theo hướng có khung, trần để có thể thu đủ tính đúng, tính đủ chi phí; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ giáo dục để các địa phương có căn cứ thực hiện.

UBND các tỉnh ban hành danh mục dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật, quy đinh khung giá, mức giá một số dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 105…

Những đề xuất, biện pháp được đại diện các địa phương nêu ra tại Hội thảo sẽ được Bộ GD&ĐT xem xét, nghiên cứu và trình Chính phủ thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ