Đề xuất công dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông: Có “vùng cấm”?

GD&TĐ - Dự thảo đề xuất công dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông (CSGT) bằng máy ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, người dân không nên lạm dụng để làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Người dân có nhiều hình thức giám sát lực lượng cảnh sát giao thông
Người dân có nhiều hình thức giám sát lực lượng cảnh sát giao thông

Dự thảo đề xuất công dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông (CSGT) bằng máy ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, người dân không nên lạm dụng để làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Dân được ghi âm, ghi hình

Bộ Công an vừa hoàn tất lấy ý kiến dự thảo lần cuối về quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, trong đó đề xuất công dân được giám sát hoạt động của CSGT bằng máy ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Đây là dự thảo lần cuối, nếu được thông qua, thông tư sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019.

Theo đó, người dân có quyền ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trong quá trình giám sát cũng tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của CSGT. Ngoài việc được giám sát trực tiếp ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT, Bộ Công an cũng nêu rõ, công dân khi giám sát và thông tin, phản ánh lên các phương tiện truyền thông phải bảo đảm tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước thông tin cung cấp.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện nay trong văn bản dưới luật có hình thức giám sát trực tiếp là quan sát bằng cảm quan, tuy nhiên “rất trừu tượng và thiên lệch ý kiến chủ quan”. Do vậy, việc bổ sung ghi âm, ghi hình là nhằm cụ thể hóa hơn quyền giám sát của người dân.

Dự thảo cũng nêu những việc người dân giám sát công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT như: Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; chấp hành tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ; công dân thực hiện các quy định nêu trên phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2019, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Sau đó, Bộ Công an đã nhận nhiều phản hồi không đồng tình khi cho rằng làm như vậy “đã hạn chế quyền công dân” mà Luật, Hiến pháp đã quy định. Sau hai tháng lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên trong dự thảo.

Không nên lạm dụng

Liên quan đến đề xuất trên, Thiếu tá Trương Việt Sơn, Đội phó phụ trách Đội CSGT số 12 (Công an TP Hà Nội) khẳng định, việc người dân được ghi hình, chụp ảnh lực lượng CSGT có tác dụng nâng cao ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử giao tiếp, điều lệnh, tư thế, tác phong của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, Thiếu tá Sơn cho hay, trên thực tế đã có một số đối tượng xấu lợi dụng tự do dân chủ, sử dụng việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT sau đó cắt, dán hình ảnh và làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng CSGT.

“Nhiều đối tượng còn cố tình tạo ra những “cái bẫy” để những chiến sĩ CSGT trẻ, nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm trong quá trình xử lý tình huống về quy trình, quy định khi công tác và có hành vi, lời nói chưa chuẩn mực để phát tán trên mạng xã hội, bôi xấu lực lượng CSGT…”, Thiếu tá Sơn bày tỏ.

Thiếu tá Trương Việt Sơn cho rằng, để tránh việc người dân lạm dụng quay phim, ghi hình thì các cơ quan chức năng cũng cần làm chặt chẽ việc thực thi đề xuất để tránh việc một số đối tượng xấu lợi dụng việc được phép quay phim, chụp ảnh để vào các khu vực cấm, liên quan đến bí mật an ninh quốc phòng hay trong các trường hợp vây bắt tội phạm...

Thiếu tá Trương Việt Sơn cũng khuyến cáo, người dân nên chấp hành các quy định của pháp luật, việc thực hiện quyền giám sát phải trong khuôn khổ, chấp hành các quy định và trên tinh thần ủng hộ cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Việc này cũng là để nâng cao ý thức của người dân tham gia giao thông, tránh trường hợp làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tạo tâm lý đám đông, gây nên những hình ảnh không tốt về lực lượng chức năng.

Anh Lê Hồng Thanh, phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ, người dân cần tích cực ghi âm, ghi hình những hình ảnh, việc làm tốt của lực lượng CSGT. Bởi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường thường xuyên giúp đỡ nhân dân, không nên chỉ chăm chăm đi ghi lại những hình ảnh phản cảm. Chỉ ghi những hình ảnh phản cảm khi cần thiết để nhắc nhở lực lượng CSGT làm tốt lên…

Vui mừng và ủng hộ Bộ Công an có dự thảo về đề xuất này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Chúng ta tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh công khai minh bạch thì việc dự thảo có nội dung quy định trên rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình trước hết phải văn minh lịch sự, khách quan công bằng vô tư, không vì ý kiến, khúc mắc cá nhân ghi âm, ghi hình sử dụng vào mục đích khác. Đặc biệt, ghi âm, ghi hình không được làm ảnh hưởng đến công việc thường nhật của lực lượng CSGT. Người ghi âm, ghi hình phải chịu trách nhiệm trước việc ghi âm, ghi hình của mình. Việc ghi âm, ghi hình là tạo điều kiện cho CSGT làm việc tốt hơn, khách quan hơn và gần nhân dân hơn.

Giám sát phải theo quy định

Sáng 10/10, trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội cho rằng, khi quy định được thông qua, việc giám sát phải không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ, truy bắt tội phạm; hoặc quay phim mà làm mất an toàn đến bản thân mình và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác. Giám sát qua ghi âm, ghi hình nhưng cũng phải có văn hóa, như không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT. Người dân giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình bảo đảm trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...