Đề xuất bổ sung bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 21/6, đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Đảm bảo quyền lợi cho người dân

Góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương 7, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng.

Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 21/6.

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 21/6.

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Về việc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các đối tượng: các chủ thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và tạo việc làm bên cạnh các đối tượng như người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số…

Cơ chế và chính sách tài chính đất đai khi thực hiện sẽ gắn kết chặt chẽ với các chính sách khác về đất đai như quy hoạch giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gắn với hỗ trợ và bồi thường tái định cư.

Để chủ trương này đi vào thực tiễn, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách tài chính về đất đai cần phải đi đầu, cụ thể là làm sâu sắc và toàn diện hơn những chính sách tài chính có tính chất ưu đãi về đất đai thông qua công cụ thuế để khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn lực và đầu tư chỗ ở và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153 và mức giảm cụ thể như đất khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất, di dời do ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng con người, các công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu và để thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác của Nhà nước.

Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Khẳng định quy hoạch sử dụng đất là nội dung đặc biệt quan trọng và được thể hiện xuyên suốt trong Luật Đất đai, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị, cần đánh giá kĩ lưỡng để có điều chỉnh phù hợp nhằm quản lý sử dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Đình Gia cho biết, quy hoạch sử dụng đất được phân thành 3 cấp gồm: quốc gia - tỉnh - huyện. Để thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan Trung ương và chủ động trong tổ chức thực hiện của địa phương, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị, mỗi cấp quy hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh quy định giới hạn một số nhóm đất chính cần thiết.

Qua đó, nhằm đảm bảo mục tiêu tầm quốc gia và cấp tỉnh, không quy định quá chi tiết về các loại đất, chi tiết chỉ tiêu sử dụng đất cấp trên phân bổ cho cấp dưới; chỉ phân bổ theo các chỉ tiêu chi tiết, không khống chế chỉ tiêu tổng của từng loại đất như: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.

Theo đại biểu Trần Đình Gia, các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được thể hiện chi tiết ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Ngoài ra, cần có cơ chế linh hoạt trong việc đánh giá sự phù hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một khu đất có thể có nhiều mục đích sử dụng nhiều loại đất mà chưa thể xác định rõ được trong quá trình lập quy hoạch.

Góp ý về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung quy định chính sách hỗ trợ trường hợp hết tuổi lao động nhưng vẫn trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường.

Thực tế trường hợp này khó tìm được việc làm mới, chuyển đổi nghề. Hầu hết họ không có chế độ chính sách sẽ khó khăn khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.

Một số người lao động tuy đã hết tuổi lao động nhưng mà sản xuất nông nghiệp thì không có ngành nghề nào khác. Nếu chúng ta mà hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất mà không hỗ trợ cho đối tượng này sẽ rất là khó khăn, đại biểu Trần Đình Gia nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.