Đề xuất bắt buộc có chứng chỉ hành nghề đối với kiến trúc sư

GD&TĐ - Dự thảo dự án Luật Kiến trúc quy định 3 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề (CCHN) bao gồm: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc; Cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Đề xuất bắt buộc có chứng chỉ hành nghề đối với kiến trúc sư

Sáng nay (12/3), ngày làm việc thứ hai của Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.

Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban có nêu: Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giao tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp CCHN để huy động nguồn lực xã hội, giảm bớt công việc cho cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thông lệ quốc tế.

Ý kiến khác lại cho rằng, không nên giao quá nhiều nhiệm vụ cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của kiến trúc sư vì thực tế cho thấy điều kiện năng lực của các tổ chức này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để có thể đảm nhận việc cấp CCHN.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất nên từng bước xã hội hóa giao việc cấp CCHN cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Luật Xây dựng (Điều 149) đã quy định giao cho một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp CCHN hoạt động xây dựng theo những hạng nhất định.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, kế thừa pháp luật về xây dựng và tránh xáo trộn trong hoạt động quản lý nhà nước, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh lập Hội đồng xét cấp CCHN ở địa phương với thành phần là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, chuyên gia.

Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, các cơ sở nghiên cứu đào tạo về kiến trúc trong quá trình cấp, gia hạn CCHN, sát hạch hành nghề kiến trúc, thực hiện chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư như trong dự thảo Luật.

Ngoài các ý kiến nêu trên, có ý kiến ĐBQH cho rằng, một trong những điều kiện để cấp CCHN kiến trúc của cá nhân là phải có kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc tối thiểu 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc là không hợp lý; đề nghị bổ sung quy định những trường hợp được miễn sát hạch, tập sự hành nghề kiến trúc.

Về điều kiện tham gia thiết kế kiến trúc để được cấp CCHN, nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc thời gian tập sự tối thiểu 3 năm đối với kỹ sư, cử nhân kiến trúc để được xét cấp CCHN để trở thành kiến trúc sư hành nghề. Căn cứ tình hình thực tiễn của nước ta và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị UBTVQH cho giữ quy định này như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn điều kiện sát hạch, thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc (Khoản 3 Điều 28) như các cá nhân có bề dày kinh nghiệm hoạt động kiến trúc, có tài năng, đoạt giải cao trong các kỳ thi kiến trúc trong nước và quốc tế, có cống hiến với quốc gia trong phát triển kiến trúc của đất nước...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ