Hãy xuất phát từ sự sẵn sàng của trẻ
Để tìm hiểu thực trạng nhận thức về chuẩn bị cho trẻ đến trường mầm non, giảng viên Trần Thị Kim Liên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã thực hiện khảo sát trên 90 phụ huynh thuộc một số tỉnh, thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn phụ huynh quyết định cho trẻ đi học khi trẻ trong độ tuổi 18 - 24 tháng và 24 - 36 tháng; tiếp theo lần lượt theo thứ tự giảm dần là giai đoạn 12 - 18 tháng; giai đoạn 3 - 4 tuổi; giai đoạn tuổi dưới 12 tháng và giai đoạn 4 - 5 tuổi.
Lý do cho rằng, trẻ sẵn sàng đi học ở trường mầm non tại thời điểm đó, dù ở những tháng tuổi khá nhỏ (dưới 12 tháng) được phụ huynh đưa ra bao gồm: vì thấy trẻ đã đủ cứng cáp để đi học; muốn trẻ tự lập sớm; muốn trẻ phát triển ngôn ngữ sớm hơn. Một số cho trẻ đi học vì nguyên nhân khách quan như: cha mẹ phải đi làm không có người chăm sóc trẻ, vì có con thứ 2 nên không có thời gian chăm con...
Nhiều ý kiến cho thấy, phụ huynh không sẵn sàng cho con đi học vì sợ trẻ bị ốm, trẻ còn quá nhỏ sợ không thích ứng được; vì trẻ luôn gần mẹ, chưa mạnh dạn giao tiếp với người lạ hoặc do trẻ còn chưa tự giác trong việc ăn uống, giờ giấc sinh hoạt chưa theo quy củ. 7,78% phụ huynh được khảo sát chia sẻ, cho trẻ đi học từ 3 - 4 tuổi vì cảm thấy độ tuổi đó là phù hợp, trẻ đã có thể nói tốt và có kỹ năng tự phục vụ.
Như vậy, có thể nhận thấy phụ huynh bước đầu nhận thức được thời điểm trẻ sẵn sàng đi học để giúp trẻ phát triển về nhiều mặt. Tuy vậy, vẫn còn nhiều phụ huynh chỉ dựa trên nhiều yếu tố bên ngoài để xác định thời điểm cho trẻ đi học chứ không xuất phát từ chính bản thân sự sẵn sàng của trẻ và bản thân họ.
Cũng theo khảo sát của giảng viên Trần Thị Kim Liên, dù ở độ tuổi nào thì cũng có những trẻ không cần nhiều thời gian để thích ứng, có những trẻ lại cần nhiều thời gian hơn thế trong giai đoạn chuyển tiếp này. Cách mà trẻ đối phó với sự căng thẳng để thích ứng khác nhau do đặc điểm về tính cách, các kỹ năng xã hội, các yêu cầu và giá trị của môi trường học tập.
Ngoài những sự chuẩn bị của bản thân, phụ huynh còn mong muốn có sự phối hợp với nhà trường trong giai đoạn khó khăn đó của trẻ. Điều này có ảnh hưởng lớn đến việc trẻ thích nghi nhanh hay chậm khi đến trường mầm non.
Phụ huynh mong được trao đổi hàng ngày về trẻ
Kết quả khảo sát của giảng viên Trần Thị Kim Liên chỉ ra rằng, phần lớn phụ huynh được khảo sát mong muốn nhà trường có những trao đổi tình hình hằng ngày của trẻ trong tuần đầu tiên. Điều này giúp cho cha mẹ cảm thấy yên tâm hơn và thấy được sự thay đổi của trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn này.
Nhiều phụ huynh mong muốn trường, lớp mầm non có những trao đổi, gặp gỡ với họ trước khi trẻ đến lớp, để qua đó giáo viên có những thông tin cơ bản về trẻ và gia đình trẻ. Qua trao đổi, phụ huynh mong muốn trường mầm non tạo cơ hội cho gia đình và giáo viên của trẻ có nhiều khoảng thời gian ban đầu để giao tiếp và định hướng trong quá trình giúp trẻ nhanh chóng thích ứng. Khá nhiều phụ huynh cũng muốn trường mầm non cần trao đổi về chương trình học và thời gian biểu của trẻ ở lớp.
Trên 40% phụ huynh bày tỏ được cho trẻ đến tham quan trường, lớp mầm non trước 1đến 2 ngày và cho trẻ được gặp gỡ với giáo viên của trẻ trước khi chính thức đi học. Phụ huynh cho rằng việc giáo viên được giới thiệu làm quen trước với trẻ sẽ tạo cho trẻ cảm giác thân quen và bớt sợ hãi khi đi học. Không gian lớp học sẽ trở nên thân thuộc hơn với trẻ nếu trẻ ít nhất đã có trải nghiệm tại nơi đó. Số còn lại mong muốn giáo viên cho phép trẻ được học nửa ngày và có thể mang vật chuyển tiếp (gấu bông, gối, đồ chơi quen thuộc…) để trẻ cảm thấy an toàn hơn khi đến lớp.
Để kiểm chứng sự chuẩn bị của phụ huynh trước và trong khi trẻ đến trường, nghiên cứu đã yêu cầu các phụ huynh của trẻ trả lời 15 câu hỏi liên quan tới các biểu hiện của trẻ khi lần đầu đi học ở trường mầm non ở 3 mức độ là thường xuyên, thỉnh thoảng và không bao giờ.
Nhấn mạnh phụ huynh và trẻ cần được hướng dẫn cụ thể để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thích ứng vào trường mầm non, giảng viên Trần Thị Kim Liên chia sẻ các cách thức chuẩn bị để trẻ có sự chuyển tiếp thành công bao gồm: thông báo với trẻ về sự chuyển tiếp sắp diễn ra qua trò chuyện, kể chuyện, đọc truyện, qua trải nghiệm của chính bản thân phụ huynh hoặc anh/chị/em xung quanh trẻ...