Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Đào Thị My – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) về cách ứng xử của người lớn khi con nói dối.
- Theo bà, tại sao trẻ nói dối và thường xảy ra khi nào?
- Thông thường, trẻ nói dối để bao biện hết mọi thứ và để không gặp vấn đề gì cả. Đôi khi, trẻ nói dối để thăm dò phản ứng của người lớn như thế nào. Nhiều trẻ nói không đúng để làm cho câu chuyện hào hứng hơn và làm cho chúng cảm thấy tốt hơn. Trẻ cũng có thể tạo sự chú ý, thậm chí ngay cả khi chúng biết rằng cha mẹ đã biết sự thật.
Khi đã nói dối để đạt được mục đích nào đó mà trẻ muốn, nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Từ trong gia đình, đến trường và các tiếp xúc xã hội. Tuy nhiên, bản thân mỗi người lớn xung quanh cuộc đời của trẻ như ông bà, cha mẹ, thầy cô… đều cần có cách uốn nắn tùy từng độ tuổi của trẻ.
Trẻ cũng không tự mình quy định phải nói dối ở đâu, nói thật ở đâu. Đối với con, đơn giản là đạt được điều mình mong muốn. Vì thế, trẻ thường để ý tới đối tượng để nói dối hơn là địa điểm.
Ví dụ như ở trường, trẻ có thể nói dối để đổ lỗi cho bạn khác, tránh được hình phạt hoặc xấu hổ trước bạn bè. Ở nhà, trẻ có thể nói dối cha mẹ để không bị mắng khi làm hư hỏng đồ…
Như vậy, nếu đã là nói dối, trẻ chỉ quan tâm người mà mình muốn giấu giếm sự việc chứ không phải là chuyện mình đang ở đâu.
- Nói như vậy thì hành vi của người lớn cũng chính là một phần nguyên nhân khiến trẻ phải nói dối?
- Nếu trẻ nói dối để tránh hình phạt thì rõ ràng vì sợ người lớn mà con làm vậy. Để hạn chế việc con nói dối, trường hợp này cha mẹ cần tự điều chỉnh hành vi của bản thân.
Trước tiên, tránh các hình phạt nặng nề hoặc quá mức. Bởi nó sẽ khiến con nói dối lành nghề hơn. Trong gia đình, nếu đặt ra quá nhiều khuôn khổ, nguyên tắc cũng khiến trẻ dễ nói dối khi không làm theo những gì đã đặt ra.
Kể cả ở trường, thầy cô cùng tạo môi trường cởi mở sẽ giúp trẻ thoải mái hơn khi bày tỏ suy nghĩ mà không cần phải e dè hay sợ sệt. Chính vì thế, dù ở đâu người lớn cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc dạy trẻ trung thực.
Hãy khuyến khích trẻ nói thật. Thầy cô và cha mẹ đừng tiếc lời khen khi trẻ đã “khai ra” sự việc. Cách này đơn giản nhưng vô vùng hiệu quả. Trẻ sẽ ngày càng tự hào vì đã nói thật và sẵn sàng nói thật để được biểu dương.
Khi trẻ đủ lớn, chúng có thể hiểu sự khác biệt giữa sự thật và giả dối. Vì vậy, cha mẹ cần khuyến khích và ủng hộ trẻ nói thật. Người lớn có thể làm điều này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực. Khi trẻ đã nói thật, đừng cố tỏ ra nghi ngờ khiến trẻ cảm thấy thất vọng.
Cha mẹ cũng có thể nói cho trẻ biết rằng bạn không thích trẻ nói dối. Ví dụ, bạn có thể nói những điều như “Khi con nói dối, mẹ cảm thấy rất buồn”.
Câu nói này có tác dụng hơn nhiều so với việc la hét “tại sao con lại nói dối”. Tuy trẻ còn nhỏ nhưng đủ nhận thức được rằng, điều mình làm thực sự không tốt khiến người thân không vui.
Cha mẹ cũng không nên nói trẻ là một kẻ nói dối. Điều này làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và thậm chí dẫn đến nói dối nhiều hơn. Luôn luôn lắng nghe và hiểu nguyên nhân của việc không thành thật mới có thể giải quyết gốc rễ vấn đề.
Ngoài ra, cha mẹ nên công bố ngay lập tức cho con thông tin chính xác. Điều này để con biết rằng cha mẹ luôn biết “chân tướng” mọi việc và con không có cơ hội bao biện.
- Phải chăng người lớn là nhân tố quyết định xây dựng môi trường “không nói dối” cho trẻ?
- Cũng có nhiều trường hợp môi trường sống rất tốt nhưng trẻ lại học cách nói dối từ bạn bè, xem phim hoặc những đứa trẻ khác.
Nếu con không nói đúng sự thật, cha mẹ đừng vội la mắng. Hãy giúp trẻ hiểu khi nào lời nói dối là có hại nhất. Đôi khi, có những lời nói dối rất “dễ thương” để giúp đỡ một ai đó.
Việc này không quá tồi tệ nhưng cũng không nên khuyến khích trẻ. Người lớn phải cực kỳ khéo léo để trẻ hiểu vấn đề mà mình đang nói có gây ảnh hưởng tới người khác hay chính hình ảnh của trẻ không.
Ở trường, nhất là các trường mầm non, độ tuổi này các em còn nhỏ nên việc xây dựng môi trường giúp trẻ dám nói thật rất quan trọng.
Có nhiều trẻ thường đổ lỗi cho bạn khác để giảm nhẹ hành vi phạm lỗi của mình. Ví dụ như, vì bạn đẩy vào nên con mới làm vỡ bình…
Thay vì đưa ra hình phạt, giáo viên nên nhẹ nhàng nói “cô nhìn thấy con làm hư đồ rồi, nhưng lần sau chỉ cần con nói đúng sự thật, cô sẽ cùng con chữa lại đồ dùng”.
Sau nhiều lần thay vì trách phạt, giáo viên sẽ giúp học sinh của mình hiểu nói thật sẽ được khen ngợi và không bị mắng. Ngược lại, nói dối khiến cô giáo và các bạn không tin tưởng và không muốn chơi cùng nữa. Dần dần, trẻ sẽ hiểu được sự thật là quan trọng nhất và hào hứng “khai” ra sự việc.
Trên lớp, giáo viên cũng cần xây dựng môi trường tích cực kể những câu chuyện liên quan đến nói dối và hậu quả của chúng. Nhiều em vẫn tin rằng, nói dối mũi sẽ dài ra hoặc lớn lên sẽ xấu đi. Thông qua câu chuyện là một thông điệp ngầm giúp các em hiểu nói dối thực sự không tốt và có thể trở thành người xấu.
Tôi tin rằng, hành vi của người lớn sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn ở trong bất cứ hoàn cảnh nào và nơi nào.
- Xin cảm ơn TS!