Khó và hay là tiêu chí phân hóa
Cô Đoàn Thị Hải Lý, giáo viên Văn - Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Đề tham khảo THPT quốc gia năm nay về cấu trúc cơ bản không thay đổi so với năm 2018. Đề Văn vẫn gồm 2 phần: Phần 1: Đọc hiểu. Phần này sẽ chiếm 30% tổng số điểm. Phần 2: Làm văn. Phần này chiếm 70% tổng số điểm bài thi.
Phần đọc hiểu (3 điểm) với ngữ liệu nằm ngoài SGK gồm 4 câu hỏi theo 3 mức độ phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi trong đề vừa sức với học sinh. Học sinh chỉ cần đọc kĩ câu hỏi và phần ngữ liệu là có thể dễ dàng có câu trả lời. Câu 4 yêu cầu học sinh vận dụng và bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn, hạn chế được việc học vẹt và học tủ.
Phần đọc hiểu cấu trúc và nội dung tương tự như đề thi năm 2018. Tuy nhiên, phần nhận biết chỉ là những nội dung, chi tiết từ bài đọc hiểu chứ không phải vận dụng kiến thức tiếng Việt. Nếu đề thi thật giống như đề tham khảo thì cũng nhẹ hơn phần Tiếng Việt. Tuy nhiên, không vì thế mà học sinh được chủ quan trong ôn tập.
Phần làm văn có nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nghị luận xã hội vẫn là luận bàn về một vấn đề rút ra từ phần đọc hiểu. Câu nghị luận xã hội là một câu hỏi ở mức độ phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Yêu cầu của đề mở sẽ giúp học sinh có thể thoải mái trình bày ý kiến cá nhân và hiểu biết của mình, miễn sao ý kiến đó phù hợp với những chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Câu nghị luận văn học có một sự thay đổi. Nhiều học trò thường hay lo lắng khi liên hệ kiến thức 10, 11, 12 trong Văn thì rất khó. Theo đề tham khảo thì đơn vị kiến thức nằm trọn vẹn trong chương trình lớp 12, nhưng mức độ kiến thức có sự phân hóa. Với đề tham khảo này, khó nhất là phần nghị luận văn học. Tuy nhiên, nếu các em nắm bắt được thì sẽ biết phân tích khá hay. Chính cái khó và hay là tiêu chí của sự phân hóa.
Bám sát định hướng đánh giá năng lực người học
Theo cô Phùng Thị Ngọc Bích, GV Lịch sử Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), đề năm nay tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12, lớp 11 giảm hơn so với đề năm ngoái. Mức độ dành cho thi tốt nghiệp ở mức 50 - 60%, cao hơn so với năm ngoái (40%). Đây là mức học sinh có thể đạt điểm 5, 6). Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đề có sự phân hoá khá rõ, có những câu vận dụng cao đòi hỏi khi ôn luyện cả thầy cô và các em không chỉ ôn chắc kiến thức trong sách giáo khoa mà cần tìm hiểu, nâng cao kiến thức, tập trung những vấn đề trọng tâm, cần kĩ năng phân tích, tư duy, liên hệ.
Dù trong đề thi có nhiều câu hỏi chỉ cần thuộc bài, nhưng không phải Lịch sử chỉ là một môn học thuộc lòng. Bên cạnh những câu chỉ yêu cầu trí nhớ, sự hiểu biết, có những câu đòi hỏi năng lực tư duy để thí sinh, mặc dù không viết ra lập luận của mình trong bài làm nhưng để tìm ra phương án trả lời đúng, vẫn buộc phải thực hiện thao tác tư duy, tức là phải tự lập luận và giải trình trong não bộ để khẳng định phương án đúng, loại trừ phương án sai. Muốn làm tốt điều này cần học tốt những câu hỏi tự luận.
Các nhà trường chủ động lập phương án bổ sung kiến thức và ôn tập cho học sinh |
Nhiều câu hỏi thực tiễn
Nhận xét về đề tham khảo THPT quốc gia 2019 môn Địa lý nhằm hỗ trợ học sinh ôn tập và có định hướng làm bài hiệu quả, cô Lê Thị Luận, GV Địa lý Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa) cho biết: Nội dung đề tham khảo nằm trong kiến thức lớp 11 và 12 theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Trong đó kiến thức lớp 12 là trọng tâm và đặc biệt, đề tham khảo không có kiến thức Địa lí 10.
Qua các câu hỏi trong đề tham khảo môn Địa cho thấy mức độ phân hóa tương đối giống đề năm trước, nội dung câu hỏi khá hay, có đề cập đến kiến thức biển đảo.
Đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Đề có sự hấp dẫn với nhiều câu hỏi giải thích và vận dụng đưa ra giải pháp nên có thể phân hóa được học sinh theo mục đích xét tuyển. Dù không gây khó nhưng đề cũng cần học sinh phải hiểu bài và tư duy để chọn đáp án đúng.
Với đề tham khảo, học sinh ngoài việc ghi nhớ kiến thức còn phải thấy được sự liên hệ giữa các đối tượng địa lí để có thể thấy được ý nghĩa, vận dụng giải thích và tìm ra giải pháp để giải quyết các vấn đề địa lí được đặt ra.
So với đề thi chính thức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đề tham khảo 2019 vừa sức hơn với học sinh có lực học trung bình và khá, học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 9 trở lên.