Đề thi môn Ngữ văn bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT

GD&TĐ - Sáng 7/7, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 làm bài môn Ngữ văn theo hình thức thi tự luận.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TPHCM.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TPHCM.

Năm nay, trong số trên 1 triệu thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có hơn 880 nghìn em sử dụng điểm thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.

Số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp chỉ gần 84 nghìn em, số thí sinh chỉ xét tuyển đại học là hơn 39 nghìn em. Trong những năm trở lại đây, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn đều được đánh giá là phù hợp với mục đích đặt ra của kỳ thi này.

Phù hợp với mục đích đặt ra của kỳ thi

ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) nhận xét: Về cấu trúc, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 được ra theo cấu trúc quen thuộc. Cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây, học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.

ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên).

ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên).

Về độ khó và sự phân hóa, đề thi được ra nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT. Phần đọc hiểu ra một đoạn thơ trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo và hỏi 4 câu hỏi nhỏ. Hai câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, đọc vào thấy ngay câu trả lời, hầu như em nào cũng có thể làm được; câu 3 (mức độ thông hiểu) cũng tương đối nhẹ nhàng; câu 4 (mức độ vận dụng) đòi hỏi học sinh phải suy ngẫm và có óc khái quát thì mới làm bài được.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Câu này cũng được ra ở mức độ bình thường, đơn giản, không làm khó học sinh.

Câu nghị luận văn học yêu cầu trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Trong hai yêu cầu của câu này, yêu cầu thứ nhất ở mức độ cơ bản, yêu cầu thứ hai ở mức độ cao hơn để phân hóa học sinh. Sự liên hệ giữa hai ý này linh hoạt và có hiệu quả hơn so với đề thi năm trước.

Về dạng câu hỏi, đề thi tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, đã từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước, chưa thấy có sự đổi mới, sáng tạo gì đáng kể.

Về nội dung đề thi, phần đọc hiểu cho một đoạn trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo. Theo tôi đây là một ngữ liệu tốt, giàu ý nghĩa, đảm bảo tốt cho yêu cầu đọc hiểu.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Đây là một vấn đề cũ, quá quen thuộc và có vẻ hô khẩu hiệu. Tuy nhiên cũng là một vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực.

Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Đây là một tác phẩm được học trong chương trình, các em đã được học, được ôn tập kĩ nên khá nhẹ nhàng cho các em.

Nhìn chung đề dành cho kì thi năm nay nhẹ nhàng, quen thuộc, phù hợp với một năm học mà một số địa phương học sinh chủ yếu học online do dịch Covid – 19.

Sẽ có nhiều thí sinh phấn khởi với đề thi này

Trong khi đó, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) nói đề yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn trích ở đầu tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" - tác phẩm nằm trong top dự đoán cao của học sinh cả nước nên không gây bất ngờ. Sẽ có nhiều thí sinh phấn khởi với đề thi này.

"Chiếc thuyền ngoài xa" là tác phẩm có tần suất ra thi thường xuyên trong những năm gần đây: 2015, 2018, 2022. Nhưng đề năm nay chưa thật sự rõ ràng về đối tượng cần phân tích mà chỉ ghi chung chung là phân tích đoạn văn, sẽ gây khó cho thí sinh trong việc xác định đối tượng phân tích và luận điểm. Dù "trúng tủ" tác phẩm dự đoán cao nhưng vẫn sẽ có nhiều thí sinh "lệch ngăn" vì tập trung ôn về nhân vật bà làng chài mà ôn sơ sài phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng về bức ảnh bình minh tuyệt vời trên biển.

"Thí sinh cần xoáy vào chỉ ra được phát hiện của Phùng và phân tích được sâu, kỹ phản ứng của nghệ sĩ Phùng trước phát hiện đó. Yêu cầu phụ của đề là liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Đây là yêu cầu không dễ. Ở câu hỏi này, thí sinh khá giỏi sẽ có đất để dụng võ và bật lên" - thầy Đức Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.