Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Tham khảo, luyện tập nhưng không quá phụ thuộc

Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Tham khảo, luyện tập nhưng không quá phụ thuộc

Xây dựng ma trận, bản đặc tả đề thi

Trong bối cảnh HS phải tạm dừng đến trường, nội dung, kế hoạch dạy học phải điều chỉnh, việc Bộ GD&ĐT ban hành đề tham khảo Kỳ thi THPT QG 2020 là cần thiết, kịp thời, giúp HS, giáo viên yên tâm, chủ động trong dạy học, ôn tập. Đưa ra nhận định này, ông Lê Bá Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Phú Thọ) cho rằng: Cấu trúc, nội dung đề tham khảo phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 và định hướng, lộ trình đổi mới Kỳ thi THPT QG đã được Bộ GD&ĐT công bố nên không bất ngờ với giáo viên, HS. HS chỉ cần bám sát đề tham khảo, chủ động, tích cực, ôn tập, tự học với sự hỗ trợ, hướng dẫn (trực tuyến hoặc trực tiếp) của giáo viên sẽ đạt kết quả cao.

Phân tích đề tham khảo môn Toán, theo ông Huỳnh Duy Khánh, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và GDTX (Sở GD&ĐT An Giang), trong số 50 câu, đề có 35 câu mức độ nhận biết, thông hiểu; 15 câu vận dụng, vận dụng cao. So với đề thi THPT QG 2019, mức vận dụng cao trong đề minh họa ít (5 câu). Câu vận dụng có độ khó vừa phải (10 câu). Số câu vận dụng trong đề thi đa số nằm ở chương trình học kỳ I của lớp 12 (8 câu).

Nội dung đề thi phân bố đều trong chương trình khối 12, do đó giáo viên cần ôn tập toàn bộ chương trình khối 12, không được cắt xén, nhưng chủ yếu tập trung vào nội dung trọng tâm của từng bài. Giáo viên cũng cần ôn tập cho HS nắm vững kiến thức trọng tâm, vận dụng kiến thức vào giải bài tập tự luận, ôn tập cho các em có kiến thức nền vững chắc để vận dụng giải quyết các bài toán trắc nghiệm. Tránh cho HS làm quá nhiều bài tập trắc nghiệm mà kiến thức cơ bản chưa nắm vững. Khẩn trương sử dụng công nghệ thông tin và ưu tiên cho HS lớp 12 học trực tuyến để bảo đảm cơ bản phần lý thuyết trước khi vào học trở lại” - ông Huỳnh Duy Khánh lưu ý.

Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và GDTX, Sở GD&ĐT An Giang cũng cho rằng, môn Toán khá thuận lợi cho HS khá giỏi tự học. Với đối tượng này, giáo viên tích cực giao bài tập, tổ chức làm bài trắc nghiệm trực tuyến. Nếu HS tích cực rèn luyện kiến thức đã học, tập trung phần kiến thức khó, nâng cao ở học kỳ I lớp 12, có thể làm tốt bài thi. Với HS trung bình, chỉ xét tốt nghiệp THPT, chỉ cần tiếp thu các kiến cơ bản của học kỳ II. Giáo viên có thể giao bài tập tập trung vấn đề cốt lõi, chú trọng kiến thức cơ bản, một số bài tập đơn giản (bài tập đúng dạng, bài tập chỉ cần áp dụng công thức...) có thể đạt yêu cầu khi làm bài.

Với đề tham khảo Tiếng Anh, ông Nguyễn Hồng Phẩm, chuyên viên Sở GD&ĐT An Giang nhận định: Nội dung kiến thức về ngữ âm, từ vựng, chủ đề bài đọc phần lớn nằm trong chương trình học kỳ I, đầu học kỳ II lớp 12. Các cấu trúc ngữ pháp cơ bản, quen thuộc. Đề có khoảng 60% câu hỏi nhận biết, thông hiểu; khoảng 20% câu hỏi vận dụng; khoảng 20% vận dụng cao, phần lớn nằm trong các câu hỏi của kỹ năng đọc.

Tránh chỉ ôn luyện câu, bài giống đề tham khảo

Lưu ý HS, thầy Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) cho rằng: Đề tham khảo chỉ giúp chúng ta biết được ma trận đề thi, những nội dung có thể xuất hiện trong đề thi thật. Vậy nên, HS cần tránh hiểu lầm, chỉ ôn những bài tập tương tự, thay số giống với đề thi.

Đưa gợi ý để nâng cao chất lượng ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi, theo thầy Thắng, HS cần học thật tốt những nội dung còn lại của chương trình, nắm vững kiến thức cơ bản, đúng trọng tâm, không dàn trải. Sau khi học hết chương trình, không tập trung luyện đề ngay mà nên xây dựng kế hoạch, thời gian ôn tập lại các nội dung kiến thức dưới dạng chuyên đề. Ngoài các tài liệu do thầy cô cung cấp, HS dễ dàng tìm thấy các video bài giảng, chuyên đề, đề thi thử chất lượng trên Internet.

Khi kết thúc ôn luyện kiến thức, chuyên đề, bắt đầu quá trình luyện đề. Giai đoạn này cực kỳ quan trọng. Các em lưu ý nên chọn những đề thi có cấu trúc ma trận tương tự như đề tham khảo, tránh làm đề có độ khó quá cao, không đúng ma trận để tránh lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến tâm lý.

Với môn Ngữ văn, cô Lê Hải Châu, Trường THPT Ban Mai khuyên HS lên kế hoạch học tập theo lộ trình, giai đoạn cụ thể, bám sát chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT. Ví dụ, giai đoạn 1, ôn nghị luận văn học (câu chiếm nhiều điểm nhất trong cấu trúc đề thi); Giai đoạn 2 ôn nghị luận xã hội; Giai đoạn 3, ôn kiến thức phần đọc - hiểu về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ…

Với phần đọc - hiểu, theo cô Lê Hải Châu, nên trả lời trực tiếp vào câu hỏi, ngắn gọn, đầy đủ, chính xác. Câu nghị luận xã hội, cần xác định dung lượng yêu cầu đề ra cho đoạn văn, không viết quá dài, lan man, hay quá ngắn, sơ sài, thiếu ý. Làm rõ 3 thao tác cơ bản trong làm văn nghị luận xã hội đó là giải thích, bàn luận và đánh giá, mở rộng. Với câu nghị luận văn học phân tích một đoạn thơ, tránh diễn xuôi ý thơ mà phải chú ý chọn lọc, bám sát các phương tiện nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, giọng điệu, các biện pháp tu từ về từ, tu từ về câu)… để phân tích, bình giảng..., qua đó làm rõ ý thơ của đoạn thơ, bài thơ. 

Với phân tích một đoạn trích văn xuôi, cần vạch ra những ý cơ bản: Đôi nét về tác giả, tác phẩm, dẫn vào đoạn trích; Nêu nội dung vắn tắt của phần trước (nếu đoạn trích là phần đầu của tác phẩm thì không cần thao tác này); Xác lập luận điểm dựa trên nhóm câu có cùng chung nội dung. Thí sinh chú ý các câu văn, hình ảnh có sử dụng nghệ thuật; Liên kết với nội dung chung và giá trị chung của tác phẩm...

Hội đồng bộ môn Tiếng Anh sẽ phân tích nội dung đề thi chi tiết, xây dựng bản ma trận chung, bản đặc tả đề thi. Từ đó, hướng dẫn các tổ chuyên môn biên soạn đề thi tương tự có cấu trúc, nội dung bám sát đề tham khảo để HS rèn luyện trong quá trình ôn tập. - Ông Nguyễn Hồng Phẩm 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ