Đề tham khảo bao quát được toàn bộ kiến thức, đáp ứng mục tiêu “2 trong 1”

GD&TĐ - So với hai lần công bố đề minh họa trước đó, bộ đề thi tham khảo THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố có chuỗi câu hỏi hợp lý, dạng câu hỏi cũng phong phú hơn, có tính phân hóa cao. Quan trọng hơn cả, thời điểm này, khi HS lớp 12 đã hoàn thành chương trình học, bộ đề tham khảo sẽ giúp cho GV và HS hình dung được cấu trúc, ma trận đề.

Đề tham khảo bao quát được toàn bộ kiến thức, đáp ứng mục tiêu “2 trong 1”

Các tổ chuyên môn khẩn trương phân tích đề

Dù thời điểm Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi tham khảo THPT quốc gia rơi đúng vào ngày Chủ nhật, nhưng Ban Giám hiệu Trường THPT Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn yêu cầu các tổ bộ môn sớm phân tích ma trận, cấu trúc cũng như chi tiết từng nội dung chuyên đề kiến thức, các kiến thức ở mức độ vận dụng, vận dụng cao sẽ “rơi” vào những chương nào… từ đó có hướng điều chỉnh nội dung ôn tập cho phù hợp.

“Trường dự kiến sẽ tổ chức ôn tập cho đến ngày 17/6 nên việc Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi tham khảo thời điểm này là rất hợp lý, giúp GV, HS định hình được phổ đề cũng như có thời gian tập dượt, làm bài.

Chúng tôi chủ trương trong thời gian ôn tập nước rút còn lại, sẽ dành khoảng 1/3 thời gian để củng cố lại hệ thống kiến thức theo từng chuyên đề, thời gian còn lại sẽ tập trung cho HS tiếp cận các đề thi tham khảo để có kỹ năng làm bài” - Thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Dực
cho biết.

Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cũng hướng dẫn các tổ chuyên môn so sánh những điểm giống và khác nhau giữa 3 phiên bản đề thi mà Bộ GD&ĐT đã công bố trong năm học 2016 - 2017.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hưng nói: “Việc phân tích, so sánh định dạng đề sẽ giúp HS và GV nắm được ma trận đề, mức độ phân hóa, khối lượng kiến thức… Đây cũng là một cách để HS hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức”.

Đáp ứng được mục tiêu “2 trong 1”

Thầy Nguyễn Huy Bính - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - nhận xét: “Đối với những HS nắm vững kiến thức chuẩn, đã có quá trình luyện thi từ trước thì với mức độ như bộ đề thi tham khảo yêu cầu, sẽ không quá khó để đạt mức điểm từ 6 - 7 điểm.

Nhưng với những HS học dàn trải, không nắm chắc những kiến thức căn bản trong SGK, bám sát chuẩn kiến thức thì mức độ kiến thức của đề tham khảo là không dễ.

Dạng câu hỏi cũng phong phú hơn đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố hai lần trước đó, khối lượng kiến thức thì gần như “vét” hết kiến thức của chương trình học lớp 12 nên sẽ không có “đất” cho những HS có chủ trương học tủ”.

Cũng theo phân tích của thầy Bính, đối với những câu hỏi ở mức độ nhận biết của các môn thi thành phần thuộc bài thi Khoa học tự nhiên, các câu hỏi tập trung vào kiểm tra định nghĩa, định lý, tính chất…

Những câu hỏi này tuy dễ nhưng không phải HS nào cũng lấy được điểm bởi dù dễ quá nhưng HS không ôn tập, không để ý thì lại không biết.

Với dung lượng kiến thức trong bộ đề thi tham khảo thì HS học ban cơ bản hay nâng cao đều làm được và độ phân hóa của các đề thi là vừa đủ để xét tốt nghiệp vừa có cơ sở tin cậy, đạt đủ độ khó để xét tuyển CĐ, ĐH.

Cũng có quan điểm như trên, thầy Phạm Sĩ Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng) - nhận xét: Bộ đề thi tham khảo có chuỗi câu hỏi sắp xếp rất hợp lý, có nhiều câu hỏi mới, lạ và “dễ thở hơn đề thi thử mà Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa mới tổ chức cho HS lớp 12 ở quy mô toàn thành phố. HS trung bình có thể giải quyết khoảng 50% số lượng câu hỏi trong mỗi đề thi”.

Tuy nhiên, theo nhận xét của thầy Trần Hữu Dực thì đối với những môn thi thành phần thuộc bài thi Khoa học xã hội, đơn cử như môn Lịch sử, với mức độ của đề thi tham khảo, số HS có điểm bài thi đạt trong khoảng 8 - 9 điểm sẽ nhiều.

“Đối với những trường ĐH thuộc tốp trên, sẽ khó trong lựa chọn, phân loại thí sinh. Vì vậy, cần thêm những câu hỏi “chất” hơn, có tính phân hóa cao hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu xét tuyển ĐH”.

Thầy Trần Hữu Dực nhận xét: “Đối với đề thi tham khảo THPT quốc gia, các môn thi thành phần thuộc bài thi Khoa học xã hội, dạng câu hỏi rất phong phú, có những câu hỏi mà ngay trong câu dẫn đã có tính chất gây nhiễu rồi, nếu HS không đọc kỹ thì sẽ rất dễ nhầm lẫn, đây là dạng câu hỏi mà đề minh họa của những lần trước không có.                                                                                                              Bộ đề thi tham khảo cũng bám sát chương trình hơn, nội dung trải đều hết chương trình lớp 12 và dù có sự xáo trộn các chương, bài nhưng các câu hỏi trong từng đề thi đều được sắp xếp theo mức độ tăng dần độ khó. Điều này sẽ giúp HS ổn định được tâm lý khi mới tiếp xúc với đề”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.