Để 'tâm vững' sau mỗi kỳ thi

GD&TĐ - Sau mỗi kỳ thi quan trọng, xã hội chứng kiến không ít chuyện đáng thương với học trò khi phải chịu áp lực về điểm số, sự kỳ vọng của phụ huynh, thầy cô và bản thân. TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm để đồng hành cùng các em vượt qua giai đoạn nhiều thử thách này.

Sau mỗi kỳ thi, cha mẹ coi đây là một dịp để gắn kết yêu thương, gần gũi cùng trẻ. Ảnh minh họa
Sau mỗi kỳ thi, cha mẹ coi đây là một dịp để gắn kết yêu thương, gần gũi cùng trẻ. Ảnh minh họa

Buồn rầu khiến mọi việc tồi tệ hơn

- Ông đánh giá thế nào về vấn đề lo âu, trầm cảm ở học sinh trên thế giới và Việt Nam hiện nay?

- Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800 nghìn ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 đối với trẻ 15 – 29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông.

Cũng theo công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây nên trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Một điều tra năm 2020 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho thấy, trong số 6.407 học sinh lứa tuổi 11 - 17 có 11% cho biết có ý tưởng tự sát trong vòng 1 năm qua...

- Ông có thể nói rõ hơn những triệu chứng của áp lực thi cử mà học sinh thường mắc phải?

- Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (Anxiety and Depression Association of America), các triệu chứng của áp lực thi cử có thể về thể chất, hành vi, nhận thức và cảm xúc.

Triệu chứng về mặt thể chất khi bị áp lực thi cử bao gồm đau đầu, tiêu chảy, thở gấp, chóng mặt, đổ mồ hôi, run rẩy, tim đập nhanh, khô miệng, buồn nôn và ngất xỉu. Các trường hợp nhẹ có thể gây ra cảm giác nôn nao trong bụng. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ mắc một số bệnh lý vì tâm trạng lo âu sau các kỳ thi kéo dài.

Áp lực thi cử dễ dẫn đến các triệu chứng về hành vi và nhận thức như có suy nghĩ tiêu cực, khó tập trung, lo lắng và có khả năng bị trầm cảm. Bị triệu chứng này, sĩ tử thường so sánh bản thân với người khác và cho rằng mình là người thất bại, yếu kém, từ đó dẫn tới cảm giác tự ti, phó mặc. Một số người có thể mắc chứng lạm dụng chất gây nghiện vì muốn giảm áp lực thi. Điều này hết sức nguy hiểm vì dùng thuốc không theo đơn sẽ tàn phá cơ thể và cả tương lai.

Còn đối với các triệu chứng về mặt cảm xúc có thể bao gồm trầm cảm, mất tự tin, tức giận và tuyệt vọng. Triệu chứng này khiến người mắc thường cảm thấy bất lực, nhỏ bé và kém cỏi trước mỗi kỳ thi và sau khi làm bài thi không như ý.

TS Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội). Ảnh: NVCC

TS Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cha mẹ phải là điểm tựa tinh thần

- Từ thực tế trên, theo ông, các bạn học sinh cần phải làm gì để hạn chế tình huống đáng tiếc do thi cử mang lại?

- Về phía học sinh cần xác định rằng, điểm thi chỉ phản ánh kết quả của quá trình học tập. Nếu điểm số tốt, hãy tiếp tục phát huy. Còn ngược lại, cần rút ra bài học kinh nghiệm, thay đổi chiến lược học tập, tìm hiểu những phương pháp học tập mới, lên kế hoạch hành động, hướng đi để có kết quả tốt đẹp hơn trong trương lai.

Cần nhớ rằng, kết quả hiện tại phản ánh những gì mình đã làm trong quá khứ; hành động hôm nay sẽ tạo ra kết quả trong tương lai. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ mà chỉ có thể tập trung cho hiện tại để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.

Hãy tìm hiểu về những người thành công trong các lĩnh vực kinh doanh, nghệ thuật, phát minh, sáng tạo... Họ thường có điểm chung gì? Hầu hết đều thất bại, ở một mức độ khá nặng nề, trước khi chạm đến thành công.

Gặt hái thành công mà không gặp rủi ro hay nguy cơ thất bại là điều bất khả thi. Các em cứ vững tin với mục tiêu đã đề ra, dù biết đôi ba lần không thể đạt được kế hoạch đề ra. Bởi thất bại là nguyên liệu, cú hích để chúng ta xây dựng nền tảng cho thành công.

Buồn rầu, ủy mị cũng không thay đổi được kết quả thi mà nó còn gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm làm chúng ta có thể mất đi cả tương lai…

- Còn các bậc cha mẹ phải ứng xử ra sao trước, trong và sau mỗi kỳ thi?

- Các bậc phụ huynh, hơn lúc nào hết cần quan tâm, gần gũi và động viên trẻ nhiều hơn thay vì chì chiết, mắng mỏ. Hiện ở nhiều nước phương Tây, người ta đã tránh dùng từ “failure” (thất bại, trượt) mà thay bằng cụm từ “delayed success” (thành công bị trì hoãn) để không làm các bạn trẻ nhụt chí, nản lòng trong việc học.

Cha mẹ cũng nên dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, yêu thương để các em có đủ tự tin bước tiếp. Cha mẹ buồn một thì trẻ buồn rầu hụt hẫng mười, vì vậy những lúc này rất cần vòng tay yêu thương hơn những lời quát mắng, chỉ trích.

Không vào được trường yêu thích không có nghĩa tương lai đóng chặt cửa mà cha mẹ cần hiểu rằng môi trường học tập chỉ là một trong các yếu tố giúp mỗi người đi đến thành công. Thi được vào trường nào đó không phải là đích đến, chỉ là một trạm dừng trên hành trình này.

Để đi hết hành trình thành công không chỉ cần kiến thức mà còn kỹ năng, thái độ sống tích cực, đúng đắn. Nên cùng trẻ rút ra bài học, trang bị thêm kỹ năng học tập mới, rèn luyện các thói quen và nhân cách tốt, tin rằng trẻ hoàn toàn vững tin bước tiếp.

Điểm tiếp theo phụ huynh cần lưu ý, trong bất kỳ tình huống nào đều xác định, chúng ta cần con khỏe mạnh, hạnh phúc hơn điểm số. Sau mỗi kỳ thi, cha mẹ coi đây là một dịp để gắn kết yêu thương, gần gũi, cùng trẻ tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện; cùng chơi thể thao, tham gia khóa học phát triển bản thân hay đơn giản là chuyến du lịch, dã ngoại... để chuyển năng lượng, suy nghĩ sang hướng tốt đẹp hơn.

- Xin cảm ơn TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.