Đề tài nghiên cứu về tự chủ đại học tại Việt Nam được nghiệm thu đánh giá

GD&TĐ - Chiều nay 9/9/2020, dưới sự chủ trì của Bộ trường Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã họp nghiệm thu đề tài nghiên cứu về tự chủ đại học tại Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội đồng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội đồng

Hội đồng đã nghe báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 về đề tài “Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018 -2025, tầm nhìn 2030”, mã số KHGD/16-20ĐT.006, do Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội chủ trì. GS.TS Đào Trọng Thi làm chủ nhiệm.

Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký, kết quả nghiên cứu Đề tài đã được công bố qua 5 bài báo, trong đó 1 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Hệ thống Scopus và 3 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước (vượt 2 bài báo so với đăng ký). Đề tài cũng đã hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh.

GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo
GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo

Trong quá trình thực hiện, sản phẩm khoa học của Đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu cho các cơ quan hoạch định chính sách trong việc ban hành các chính sách về tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học hướng tới việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục.

Một số sản phẩm của Đề tài đã được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội tiếp nhận sử dụng.

Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 25/3/2020 theo Quyết định số 236/QĐ-ĐHGD ngày 26/2/2020. Kết quả xếp loại “Đạt” và được Hội đồng tự đánh giá, kiến nghị đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước.

GS.TSKH Đào Trọng Thi, chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt các nội dung Nghiên cứu cơ sở lý luận về tự chủ ĐH, trách nhiệm giải trình và các mô hình tự chủ ĐH phổ biến trên thế giới; Tổng kết các mô hình tự chủ trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

GS Đào Trọng Thi đã đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách về tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường ĐH Việt Nam và đánh giá hiệu quả các chính sách hiện có

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất mô hình tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2030. Cũng như nội dung đề xuất giải pháp, kiến nghị tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình cho cơ sở GDĐH Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2030.

Từ thực tế triển khai mô hình thí điểm tự chủ ở một số cơ sở GD ĐH công lập, nhóm nghiên cứu cho rằng trong tương lại gần mô hình này sẽ tiếp tục được mở rộng. Điều này đòi hỏi một tư duy mới trong việc quản trị và lãnh đạo cả ở cấp trường và cấp hệ thống. Cần chú trọng sự tham gia của các bên liên quan, khích lệ sự đa dạng và từng bước chuyển sang quản trị theo mô hình doanh nghiệp.

Ý kiến của các thành viên Hội đồng, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ GD Đại học đánh giá cao tính chuyên nghiệp của nhóm nghiên cứu khi thực hiện báo cáo. PGS Phụng đã chỉ ra những điều cần bổ sung liên quan đến các nội dung đề cập của nhóm nghiên cứu. Tán thành với nhiều nội dung nghiên cứu, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa ghi nhận những đóng góp của Đề tài, nhưng cũng đề xuất những nội dung liên quan đến vấn đề tự chủ, trách nhiệm giải trình… để nhóm nghiên cứu làm rõ.

GS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đưa ra ý kiến về 2 nhóm ý. Nhóm nghiên cứu cần bổ sung các nghiên cứu trong và ngoài nước để làm rõ khung lý thuyết để luận giải những bên liên quan mô hình tự chủ. Báo cáo tổng hợp đi rất sâu vào kinh nghiệm quốc tế, kỳ vọng thêm từ những nghiên cứu điển hình nên có đúc kết mang tính tổng hợp mô hình tự chủ, các mối quan hệ hội đồng trường với bộ chủ quản, cơ quan điều hành… sẽ làm rõ mô hình tự chủ ở Việt nam.    

Tham gia Hội đồng, đại diện các vụ chức năng cũng nêu lên các ý kiến phản biện mang tính xây dựng cao. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng đây là Đề tài lớn, phức tạp; Thứ trưởng đồng ý về cơ bản các góp ý của các nội dung phản biện, đồng thời nêu thêm ý kiến: Các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay rất lúng túng trong việc xây dựng mô hình tự chủ của chính họ. Thứ trưởng đặt vấn đề sự cần thiết của Đề tài là xây dựng được mô hình, đánh giá kinh nghiệm từ các nước. Đưa ra được mô hình tự chủ nào tốt nhất để từ nay đến 2030 Luật cần sửa đổi những gì để dọn đường cho quá trình đó.  

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình cho rằng: Đề tài cần làm rõ thêm cấu trúc, phương thức báo cáo. Khung báo cáo tổng quan và báo cáo tóm tắt phải tương đồng với nhau. Trong các mô hình thế giới, mô hình nào nhóm đề tài thấy phù hợp với Việt Nam hiện nay và sau này để dựa vào đấy có thể hoàn thiện. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề khó, phức tạp, khái niệm thuật ngữ, quan điểm của nhóm nghiên cứu tự chủ ĐH là như thế nào, tăng quyền ra làm sao, để từ đó xuyên suốt trong quá trình thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...