(GD&TĐ)-Bộ Công thương vừa có Công văn số 12976/BCT-QLCT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương với các Sở, ban, ngành có liên quan cùng phối hợp, tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn bị yếu thế khi khiếu nại các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình |
Theo đó, mục đích của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới (15/3) nhằm làm cho mọi người dân cũng là người tiêu dùng hiểu được bảo vệ quyền lợi của mình không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, mọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm hơn nữa, tìm hiểu, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng hưởng ứng thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Mặt khác, Bộ Công thương cũng đề nghị Sở Công Thương và các Sở, ban, ngành tổ chức mít tinh, hội thảo tại các trung tâm thương mại, hội trường lớn với nội dung: Tuyên truyền về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010; Chăng băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu với các nội dung như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ doanh nghiệp chân chính;- Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình; 15 tháng 3 – Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới; Người tiêu dùng có quyền được thông tin về hàng hoá, dịch vụ; Người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; Không tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ và môi trường; Hãy tiêu dùng hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi tiêu dùng…
Phương Nguyên