(GD&TĐ) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cho rằng: “Môi trường GD ĐH phải là nơi tốt nhất để các giảng viên NCKH, làm sao để nếu một giảng viên (GV) khi rời xa môi trường ấy, cho dù là để đảm nhận công tác quản lý, cũng cảm thấy phải nuối tiếc”. Theo hướng đó, nhiều trường ĐH đã tìm nhiều phương cách để thu hút và giữ chân GV giỏi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Giữ chân giảng viên
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác Chính phủ thăm phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Sư phạm Huế |
Lý do quan trọng nhất để TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) từ chối lời mời của nhiều doanh nghiệp để trở thành giảng viên tại trường sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ ở Pháp là bởi “nếu đi làm doanh nghiệp hay tổ chức hành chính thì sẽ rất khó phát huy việc NCKH”.
Trong điều kiện “cạnh tranh” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, điều quan trọng không phải ở chỗ chế độ đãi ngộ mà là ở điều kiện, môi trường làm việc cùng những chính sách thuận lợi cho việc phát triển chuyên môn.
Theo TS Nguyễn Thanh Bình thì trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng rất chú trọng đến hợp tác quốc tế - đây là cơ hội để các GV trẻ giao lưu và tiếp cận với môi trường giảng dạy và NCKH tầm quốc tế.
Có thể xem nhận xét của TS Phạm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm xuất sắc, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng khi tham gia khóa học Trường hè quốc tế DSPSS (Digital Signal Processing Summer School) tổ chức tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng về xử lý tín hiệu số do các GS hàng đầu đến từ các trường ĐH của Mỹ giảng dạy trong 2 tuần là minh chứng cho ý kiến trên:
“Dưới góc độ là một GV tham gia khóa học, chúng tôi học được rất nhiều về phương pháp giảng dạy của các GS, nhất là sự đánh giá nhanh chóng năng lực của học viên để điều chỉnh cách truyền thụ. Các GS cũng có sự trao đổi rất tốt với học viên, những học viên có tiềm năng thường được đánh giá, nhận xét ngay sau giờ lên lớp. Đây là một hình thức mới trong đào tạo, bởi đánh giá năng lực của học viên cũng chính là gián tiếp đánh giá chất lượng bài giảng và phương pháp giảng dạy của GV”.
Từ hơn một năm nay, TS Nguyễn Duy Thái Sơn chuyển về giảng dạy tại khoa Toán, trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) sau một thời gian dài công tác tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Trước đó, TS Sơn có 5 năm được mời làm giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại trung tâm Quốc tế về Vật lý lý thuyết thuộc Cộng hoà Ý; trường đại học Ohio, Hoa Kỳ; Đại học Kyoto Sangyo, Nhật Bản; Đại học Vienna, Cộng hoà Áo.
Ở môi trường giáo dục ĐH, ông có các điều kiện để nghiên cứu phương pháp học toán gắn với GD, tham gia giảng dạy môn Toán bằng tiếng Anh trong chương trình tiên tiến, nghiên cứu với tư cách phản biện trong các khóa luận tốt nghiệp.
NGƯT Lê Công Cơ, lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân cho biết: để quy tụ, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao đang công tác ở nước ngoài về trường công tác là một việc làm rất khó khăn, tuy nhiên, để “níu giữ” họ gắn bó lâu dài với trường, tập trung nỗ lực và tâm huyết xây dựng, phát triển nhà trường càng khó khăn hơn. Vì vậy, cần phải có một cơ chế chính sách linh hoạt và chủ trương ưu đãi riêng để thu hút và sử dụng nhân tài. Và việc đầu tư cho NCKH trong trường đại học là một việc làm mang tính chiến lược lâu dài.
TS. Hà Đắc Bình, Phó GĐ Trung tâm NC&PT KHCN của nhà trường cho biết thêm: “Hiện nay, trung tâm đã xây dựng kế hoạch tiếp tục mở rộng và chuyên sâu các lĩnh vực NCKH trong những năm sắp tới. Trong đó, sẽ tập trung phát triển số lượng đội ngũ cán bộ là các tiến sĩ trẻ đang có năng lực nghiên cứu tốt và nhiệt tình xây dựng trường”.
Theo PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, “Nâng cao chất lượng đội ngũ GV được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để nâng cao chất lượng GD Đại học. ĐH Đà Nẵng cố gắng tạo điều kiện tối đa để các cán bộ phát huy năng lực của họ như tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, tham gia các chương trình NCKH, các đề án và tham gia quản lý nếu đáp ứng các yêu cầu. Các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu đa dạng đã góp phần giúp cán bộ giữ được sự đam mê và yên tâm công tác tại ĐH Đà Nẵng”. Có lẽ đây là một trong những lý do để 5 năm trở lại đây, ĐH Đà Nẵng đã thu hút gần 30 PGS và Tiến sĩ từ các nơi khác về công tác.
Đầu tư thiết bị hiện đại hơn doanh nghiệp
Phòng thí nghiệm tự động hóa tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng |
GS Evan Goldstein - Khoa Kỹ thuật Điện, Trường Đại học Washington, Giáo sư thỉnh giảng cho Chương trình tiên tiến ngành Điện tử viễn thông, chuyên ngành hệ thống số tại trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, khi đánh giá về CSVC và phòng thí nghiệm, đã nói rất ngắn gọn: “Nhờ có quan hệ đối tác chính với Intel, CSVC của chương trình và các phòng thí nghiệm rất đầy đủ cho thí nghiệm và không cần phải có những điều chỉnh gì đáng kể”.
Giải thích về điều này, TS Phạm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Hiện Trường ĐH Bách khoa có 2 chương trình đào tạo của khoa Điện tử viễn thông và Trung tâm xuất sắc được đầu tư thiết bị rất hiện đại, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn chưa trang bị như vi điều khiển, lập trình SBGA, DSP, các thiết bị hệ thống viễn thông thế hệ 3 có thể nâng cấp lên thế hệ 4.
Song song đó, có những thiết bị do các doanh nghiệp đầu tư mà doanh nghiệp hiện đang sử dụng trong chương trình hợp tác với trường như phần mềm thiết kế chíp, thiết bị vi điều khiển. Đây đều là những thiết bị đắt tiền vừa phục vụ đào tạo vừa NCKH”. Chính nhờ đầu tư mạnh về phòng lab nên trường ĐH Bách Khoa đã bắt đầu “lôi kéo” được kỹ sư từ các doanh nghiệp về cùng làm việc với SV và giảng viên tại trường.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển nhà trường theo mô hình “ đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên một nền nhân văn hiện đại”, trong thời gian qua, bên cạnh tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất tốt phục vụ đào tạo, Trường ĐH Duy Tân nhanh chóng thành lập Trung tâm NC&PT KHCN nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và góp phần nâng cao tiềm lực giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng khoa học”.
Trong đó, về lĩnh vực điện tử viễn thông, trường đã xây dựng được một phòng thí nghiệm Vô tuyến Siêu cao tần với giá trị trên 200 ngàn USD và phòng thí nghiệm Data Center trị giá hơn 2 triệu USD, vừa sử dụng cho thông tin trong trường, vừa sử dụng trong các bài toán nghiên cứu hay mô phỏng trong công nghệ thông tin. Với các thiết bị được xếp vào loại tiến tiến trong nước về huỳnh quang, phòng thí nghiệm Quang phổ được đầu tư có giá khoảng 150 ngàn USD.
Theo PGS.TS Trần Văn Nam thì muốn GV tiến hành NCKH nghiêm túc, thực sự có chất lượng, cần phải phát triển CSVC, xây dựng và khai thác hiệu quả các phòng thí nghiệm. Các phòng thí nghiệm này có thể do cán bộ đủ năng lực xây dựng đề án thành lập và chịu trách nhiệm quản lý để thực hiện đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện các dự án hoặc làm công trình cho các doanh nghiệp. Các phòng thí nghiệm này được cấp kinh phí nghiên cứu hàng năm và phải cam kết mỗi năm phải có số bài báo tối thiểu trên các tạp chí hoặc các hội nghị uy tín trên thế giới”.
Để phát huy tối đa khả năng chuyên môn của CB, GV trong hoạt động nghiên cứu, bên cạnh chủ trương phát triển các nhóm TRT (Teaching Research Team nghiên cứu - giảng dạy), ĐH Đà Nẵng chủ trương đầu tư CSVC và phương tiện nghiên cứu theo yêu cầu người sử dụng chứ không theo kiểu đầu tư cho đơn vị khoa như trước đây. Các nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với ĐH Đà Nẵng để xây dựng đề án tăng cường năng lực nghiên cứu hoặc đề án hợp tác với nước ngoài và trang thiết bị sẽ được đầu tư để đáp ứng đúng nhu cầu nghiên cứu của cán bộ.
Hà Nguyên - Đại Khải