Để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch của Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc công bố và thực hiện quy hoạch Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để Nhân dân cùng giám sát.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (bìa trái) dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (bìa trái) dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính thức được công bố vào sáng nay (5/3).

Dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; đại diện một số bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo và các sở, ngành, địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống...

Đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khẳng định, quy hoạch Vĩnh Phúc được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 998/QĐ-TTg ngày 10/7/2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thể hiện khát vọng của Nhân dân Vĩnh Phúc về thịnh vượng, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.

Vĩnh Phúc sẽ đóng vai trò là một trong những cực phát triển, là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại của vùng Đồng bằng sông Hồng, là một trong 3 cực tăng trưởng của vùng Thủ đô. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao chứng nhận cho một số dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao chứng nhận cho một số dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Vĩnh Phúc khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá để xúc tiến thu hút các nguồn lực xã hội. Đặc biệt là để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch, các nhà đầu tư tiếp cận và tiếp tục cụ thể hóa các quy hoạch không gian thông qua các chương trình, dự án được phê duyệt...

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách có tính đột phá, tháo gỡ các "điểm nghẽn"; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng.

Vĩnh Phúc cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố vùng Thủ đô; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, gồm: các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững....

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh, quy mô 1.236km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (2 thành phố và 7 huyện); phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía Đông và Nam giáp TP Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ