Đề Ngữ văn thi vào lớp 10 tỉnh Nam Định đề cập về cách làm người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 7/6, hơn 23 nghìn thí sinh tại tỉnh Nam Định đã hoàn thành bài thi đầu tiên môn Ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.

Các thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 của tỉnh Nam Định.
Các thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 của tỉnh Nam Định.

Đề thi vừa sức thí sinh

Đúng 16h30 chiều nay (7/6), hơn 23 nghìn thí sinh tại Nam Định đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024. Đề thi môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận; phần thi trắc nghiệm chiếm 20%, phần thi tự luận chiếm 80% tổng số điểm bài thi.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2024-2025 tỉnh Nam Định.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2024-2025 tỉnh Nam Định.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2024-2025 tỉnh Nam Định.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2024-2025 tỉnh Nam Định.

Gắn bó với môn Ngữ văn nhiều năm, cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - giáo viên Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, đề thi năm nay có nội dung rất trọng tâm, vừa sức học sinh và không quá lắt léo.

Tính phân loại học sinh tập trung ở câu 2 phần Tập làm văn, học sinh phải có kỹ năng làm bài dạng đề định hướng thì mới đạt điểm cao và ngược lại. Nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh có lực học Trung bình khá sẽ đạt được điểm 6 trở lên.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Nhàn, trong suốt quá trình ôn tập vừa qua, cô trò đã cùng nhau ôn luyện rất kỹ các dạng đề Ngữ văn để học sinh không bị bỡ ngỡ. Mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích, đề thi có thể sẽ yêu cầu phân tích một khía cạnh/chi tiết đặc sắc. Thí sinh phải thực sự tỉnh táo và đọc kỹ đề, tránh làm lạc đề, vừa mất thời gian lại không được điểm.

"Năm nay, câu 2 phần tập làm văn yêu cầu thí sinh phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người đồng mình. Các em đã được rèn luyện kỹ năng làm bài rất nhuần nhuyễn nên hi vọng kết quả thi sẽ khả quan nhất có thể", cô Nhàn bày tỏ.

Đề mang tính định hướng cao

Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Dưới góc nhìn chuyên môn, Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho rằng, nội dung kiến thức của đề thi nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Phần 1 là kiểm tra kiến thức tiếng Việt gồm 8 câu hỏi trắc nghiệm khá cơ bản, không quá khó đối với học sinh.

Phần 2 và 3 của đề thi có cấu trúc như đề thi tốt nghiệp THPT. Phần 2 là bài đọc hiểu về giá trị, ý nghĩa của tuổi trẻ với 3 câu hỏi cũng không quá khó so với các em. Phần này kiến thức ngữ liệu hoàn toàn không có trong chương trình lớp 9. Ba câu hỏi đọc hiểu có tính phân loại thí sinh rất rõ ràng.

Phần 3 của đề thi là tập làm văn, câu 1 có biểu điểm là 1,5 điểm. Đây là câu vận dụng cao khi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội về ý nghĩa của sự trải nghiệm.

Lực lượng thanh niên tình nguyện túc trực ở cổng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định trước khi thí sinh tan thi chiều 7/6.

Lực lượng thanh niên tình nguyện túc trực ở cổng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định trước khi thí sinh tan thi chiều 7/6.

Câu 2 có biểu điểm là 4,5 điểm yêu cầu học sinh phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người đồng mình trong đoạn trích của bài thơ "Nói với con" của tác giả Y Phương. Đây là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ này.

"Vẻ đẹp của người đồng mình cũng chính là những bài học sâu sắc về cách làm người của con người trong thời đại mới. Đề bài đã hướng thí sinh tới tình yêu quê hương đất nước rất là sâu sắc. Đề bài cũng hướng thí sinh định hướng được cách sống đúng đắn cho bản thân mình", cô Hằng Nga nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga cũng cho biết, đề thi Ngữ văn có thêm 8 câu hỏi trắc nghiệm yêu cầu thí sinh phải nắm chắc kiến thức tiếng Việt. Đó chính là phần nặng hơn so với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội và các tỉnh/thành khác. Điều này đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức, kỹ năng cần thiết mới đạt điểm cao môn Ngữ văn.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Nam Định cho hay, toàn tỉnh đã tổ chức 46 Hội đồng thi với 47 địa điểm tổ chức thi cho 23.262 thí sinh đăng ký dự thi ở 988 phòng thi, 100% các em chọn thi môn Ngoại ngữ là Tiếng Anh. Sáng 8/6, thí sinh sẽ thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận trong 120 phút. Chiều 8/6 sẽ thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận trong 60 phút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ