Đề nghị xử phạt Công ty TNHH Trung Việt Hưng ở Nghệ An

GD&TĐ - Công ty Trung Việt Hưng bị đề nghị xử phạt vì múc đất đá trái phép tại di tích lèn Hai Vai (huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Di tích lèn Hai Vai ở xã Minh Châu, huyện Diễn Châu. (Ảnh: Phạm Tâm)
Di tích lèn Hai Vai ở xã Minh Châu, huyện Diễn Châu. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ngày 28/3, ông Phạm Xuân Sánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, Huyện vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An và các sở liên quan, đề nghị xử phạt Công ty TNHH Trung Việt Hưng (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An) do xâm hại đến di tích quốc gia.

Theo đó, trong quá trình thi công dự án Đường dây điện 500KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Công ty TNHH Trung Việt Hưng đã đào múc đất đá trái phép tại khu vực chân lèn Hai Vai (thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu) để làm vật liệu xây dựng thông thường với khối lượng hơn 380m3.

Việc này làm huỷ hoại, thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia lèn Hai Vai.

Với vi phạm trên, UBND huyện Diễn Châu đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính Công ty TNHH Trung Việt Hưng 90 triệu đồng với hành vi vi phạm Luật Di sản năm 2009 và 90 triệu đồng với hành vi vi phạm Luật khoáng sản 2010.

Buộc doanh nghiệp khôi phục lại hiện trạng ban đầu của di tích, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Công ty TNHH Trung Việt Hưng lý giải vì không biết lèn Hai Vai là di tích nên đào đất đá để đắp đường. (Ảnh: Phạm Tâm)

Công ty TNHH Trung Việt Hưng lý giải vì không biết lèn Hai Vai là di tích nên đào đất đá để đắp đường. (Ảnh: Phạm Tâm)

Theo ông Sánh, ngoài kiến nghị xử phạt doanh nghiệp, huyện Diễn Châu cũng đang xác định trách nhiệm, kiểm điểm người đứng đầu chính quyền xã Minh Châu vì để xảy ra vụ việc.

Lèn Hai Vai là khối đá vôi tự nhiên khổng lồ với cấu trúc có 2 đỉnh, gồm: Lưỡng Kiên Sơn (nghĩa là lèn Hai Vai), ngọn nhỏ gọi là Hổ Lĩnh Sơn (còn gọi là lèn Một Vai).

Ngọn lớn nằm cạnh Quốc lộ 7 có chiều dài khoảng 200m, nơi rộng nhất khoảng 120m, nơi cao nhất khoảng 141m. Ngọn này có cấu tạo giữa nhỏ nhô lên cao, 2 bên thấp dần nhưng cân đối như vai người. Vì là ngọn lớn nên người dân thường gọi chung di tích, danh thắng là lèn Hai Vai.

Năm 1964, nơi đây được các nhà khảo cổ học phát hiện xương người hóa thạch, một số công cụ bằng đá và nhiều bình gốm. Đến năm 1971, Viện Khảo cổ học phối hợp một số đơn vị khảo sát, nghiên cứu tại lèn và phát hiện thêm một số hiện vật từ thời văn hóa Phùng Nguyên cách đây hơn 4.000 năm.

Theo người dân địa phương, khu vực lèn Hai Vai trước đây là rừng cây rậm rạp, hoang vu. Trên lèn có nhiều hang động sâu, với những khối thạch nhũ có hình thù kỳ lạ. Trong giai đoạn từ 1930 - 1945, lèn đá này trở thành nơi trú ẩn của nhiều cán bộ cách mạng.

Năm 1994, lèn Hai Vai được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ hàng chục năm trước, lèn Hai Vai liên tục bị khai thác đá khiến hình dáng bị méo mó.

Sau khi được xếp hạng, người dân địa phương kỳ vọng di tích sẽ được bảo vệ, tôn tạo để thu hút du khách. Thế nhưng, trải qua hơn 30 năm, lèn Hai Vai vẫn chưa được cắm mốc để bảo vệ, khiến di tích này nhiều lần bị xâm phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.