Đề nghị trả lại tên cho nước mắm truyền thống

Dù Ban soạn thảo Dự thảo Tiêu chuẩn nước mắm khẳng định tiêu chuẩn này chỉ mang tính chất khuyến nghị, không bắt buộc thực hiện nhưng giới chuyên gia vẫn băn khoăn.

Đề nghị trả lại tên cho nước mắm truyền thống

Khẳng định bảo vệ, ủng hộ các nhà sản xuất nước mắm trong nước

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông NN-PTNT) phối hợp cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông tin về quá trình soạn thảo và nội dung Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Theo ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản), qua hai năm triển khai thực hiện, Cục đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ Dự thảo đảm bảo đầy đủ trình tự xây dựng TCVN và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định Dự thảo và hồ sơ TCVN.

Hồ sơ đã tuân thủ quy định nêu trong điều 5 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP. Số hiệu tiêu chuẩn được cấp là TCVN 12607:2019.

De nghi tra lai ten cho nuoc mam truyen thong

Dự thảo mới về tiêu chuẩn nước mắm được cho là đang làm khó các nhà sản xuất nước mắm truyền thống

Ông Đào Trọng Hiếu cho biết trong quá trình soạn thảo dự thảo TCVN Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Ban soạn thảo dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003), TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã cân nhắc lược bỏ các khuyến nghị được cho là khó áp dụng, không khả thi đối với điều kiện sản xuất nước mắm hiện nay tại Việt Nam để bảo vệ, ủng hộ các nhà sản xuất nước mắm trong nước.

Đơn cử, Ban đã lược bỏ khuyến nghị về việc phải moi ruột đối với cá nguyên liệu có kích thước chiều dài thân lớn hơn 12cm hoặc khuyến nghị phải bảo quản ở nhiệt độ dưới 3 độ C đối với cá nguyên liệu ngay sau khi đánh bắt để kiểm soát ô nhiễm vi sinh và sự phân hủy cá...

Theo ông Đào Trọng Hiếu, dự thảo TCVN 12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm.

“Đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng”, ông Đào Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng người sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất của mình. Từ đó, có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm.

“Tiêu chuẩn quốc gia là khuyến khích áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng. Do đó, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.

Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nhằm đảm bảo xây dựng được tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho đơn vị áp dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng.

Đề nghị trả lại tên nước mắm truyền thống

Trao đổi bên lề với phóng viên, TS. Trần Thị Dung, chuyên gia trong ngành nước mắm chia sẻ, cuối tháng 2 vừa qua khi bà vào miền Nam làm việc với các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, họ chỉ có nguyện vọng trả lại tên nước mắm cho họ, tách nước mắm riêng ra chứ không đánh đồng với nước mắm công nghiệp.

“Phải tách bạch chỉ có cá và muối từ chượp ra là nước mắm nguyên chất. Còn chuyện nước mắm pha loãng, cho thêm hương liệu nhân tạo, phẩm màu,... mà chúng tôi thường gọi là nước mắm công nghiệp thì đứng riêng ra”, bà Dung nói.Theo tường thuật của báo Pháp luật TP.HCM, tại hội thảo, dù TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, thành viên Câu lạc bộ NMTT VASEP, nhiều lần giơ tay xin phát biểu nhưng bị người điều hành buổi họp báo gạt ra.

Cũng theo bà Dung, điều khiến bà và các nhà sản xuất nước mắm truyền thống lo ngại nhất chính là dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp.

“Chuyện pha loãng, cho chất bảo quản, hương nhân tạo, chất tạo sánh, phẩm màu… vào thì đó không phải là nước mắm truyền thống rồi. Nếu ban soạn thảo nói rằng chưa có văn bản nào quy định riêng (về nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp -PV) thì bây giờ các vị hãy ban hành quy định. Không nên lái nền sản xuất nước mắm truyền thống sang một hướng khác”, bà Dung nhấn mạnh.

Theo baodatviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ