Đề nghị TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh lập kế hoạch chi tiết tiêm chủng trước ngày 10/9

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP Hồ Chí Minh cần có kế hoạch chi tiết về tiềm chủng; ông cũng đề nghị kế hoạch chi tiết này phải được hoàn thành trước ngày 10/9.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: BYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: BYT.

Ngày 06/9, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp trực tuyến với 04 tỉnh, thành phố, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP Hồ Chí Minh về tình hình phân bổ và tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc xin đủ để bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên; riêng Đồng Nai đã được cấp đủ để bao phủ 80% mũi 1.

Đến ngày 5/9, 4 địa phương này đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều vắc xin và đã tiêm được hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%). Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc xin (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ sử dụng vắc xin đạt 69,1% so với số vắc xin đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.

Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỷ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ. 

Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu), tỷ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm vắc xin.

Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin, tỷ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.

Ảnh: BYT.
Ảnh: BYT.
Tính đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc xin phòng Covid-19 với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị.
Riêng TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% số lượng vắc xin trên cả nước.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề cập đến nguyên nhân tỷ lệ sử dụng vắc xin tại các tỉnh, thành phố này còn thấp. Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, một phần là do các địa phương tiếp nhận lượng lớn vắc xin vào cùng một thời điểm. Quyết định phân bổ vắc xin gần đây nhất mới được ban hành hôm 30/8. Trong một tuần qua, các địa phương đã tiếp nhận và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. 

Đơn cử tại Bình Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho biết, 2 ngày tới, tỉnh sẽ hoàn tất tiêm 750.000 liều vắc xin Sinopharm mới tiếp nhận cách đây vài ngày. Sau đó, tỉnh sẽ tiêm 300.000 liều vắc xin AstraZeneca và Pfizer. Bình Dương ưu tiên tiêm mũi 1 cho người dân, phấn đấu đến ngày 10/9, 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin.

Nguyên nhân thứ 2 đó là, để bảo đảm đủ vắc xin tiêm mũi 2 cho người dân, các địa phương đã lưu kho hoặc chưa tiếp nhận hết lượng vắc xin được phân bổ. Do đó, tỷ lệ vắc xin đã được sử dụng trên tổng vắc xin tiếp nhận/phân bổ bị kéo giảm.

Đề nghị quán triệt nguyên tắc "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm nhanh nhất"

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế khi các địa phương có kế hoạch tổng thể nhưng lại chưa có kế hoạch chi tiết theo từng quận, huyện. Việc báo cáo, nhập dữ liệu chưa được thực hiện kịp thời, chưa tính toán đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên số liệu thực tế đã tiêm bị chênh so với số liệu cập nhật lên hệ thống. Đây là nguyên nhân khiến việc đánh giá kết quả sử dụng vắc xin ở những địa phương này còn thấp so với yêu cầu. 

Thực tế, qua quá trình báo cáo, kiểm điểm, tổng số vắc xin đã tiêm ở 4 địa phương này lên hơn 9,8 triệu liều, cao hơn gần 1 triệu liều so với con số cập nhật dữ liệu với Bộ Y tế, đạt 72% số vắc xin đã tiếp nhận.

Biểu đồ thể hiện kết quả tiêm chủng tại 04 tỉnh trong 10 ngày gần nhất. Ảnh: BYT.

Biểu đồ thể hiện kết quả tiêm chủng tại 04 tỉnh trong 10 ngày gần nhất. Ảnh: BYT.

Theo dự kiến, trong tháng 9 và quý IV tới, lượng vắc xin phòng Covid-19 sẽ tiếp tục về nhiều, đặc biệt là các loại vắc xin của các hãng AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm.   

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị 4 địa phương nói trên quán triệt nguyên tắc "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm nhanh nhất" theo tinh thần "vắc xin về, phải tiêm ngay, không chậm trễ, không chờ đợi, không lựa chọn vắc xin, có vắc xin nào thì tiêm ngay loại đó".

Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch chi tiết về tiềm chủng vì sau ngày 15/9, mỗi quận, huyện sẽ áp dụng các hình thức giãn cách xã hội khác. Khi đó, mỗi địa bàn cần có hình thức tổ chức tiêm khác nhau. 

"Tôi đề nghị kế hoạch chi tiết này phải được hoàn thành trước ngày 10/9”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, đồng thời lưu ý trong kế hoạch này cần tính toán đến việc tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên.

Đối với việc tiếp nhận vắc xin, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chủ động thông báo cho các địa phương. Ngay khi nhận thông báo, các địa phương phải chủ động liên hệ, tổ chức tiếp nhận vắc xin trong vòng 24 giờ. 

Đối với ý kiến tiêm vắc xin cho người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá để hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, việc tiêm vắc xin vẫn thực hiện theo quy định hiện hành, trong đó, người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.