Trò chuyện cuối tuần

Đề nghị nghiên cứu thống nhất một bộ sách giáo khoa có hợp tình, hợp lý?

GD&TĐ - Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) tiếp tục được quan tâm.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã có đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội nghiên cứu quy định thống nhất một bộ SGK cho các cấp học trên địa bàn. Đề nghị này nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, xây dựng.

Cô Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội: Đề xuất không phù hợp

Cô Đào Thị Thủy.

Cô Đào Thị Thủy.

Bộ GD&ĐT triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” - đây là một trong những đổi mới giúp nhà trường, giáo viên có cơ hội đổi mới phương pháp dạy học. Chương trình hiện hành với SGK năm 2006 - thuận lợi cho nhà quản lý những rất khó cho giáo viên. Mỗi lớp, trường học có nhiều đối tượng học sinh khác nhau mà chỉ có một bộ sách khiến có người hiểu nhầm chương trình và SGK là một.

Quan điểm của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội, chương trình của Bộ GD&ĐT là pháp lệnh còn SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Nếu như mọi người hiểu nhầm chương trình SGK giống như pháp lệnh thì đôi khi không dám dạy sai sách (điều chỉnh thứ tự bài học, kiến thức vận dụng… ngoài chương trình SGK - PV).

Chương trình SGK năm 2006, sách như thế nào thì dạy như thế, từ bài đầu cho đến cuối cùng. Tương tự, đối với nhà quản lý, khi kiểm tra cơ sở mà phát hiện dạy sai sách, là giáo viên, nhà trường bị xem xét. Bản thân giáo viên không dám lấy bài nào dạy trước hay thay đổi thứ tự, nội dung bài học trong SGK. Trong tiềm thức của nhiều giáo viên thực hiện chương trình hiện hành SGK 2006 có người cho rằng chương trình và SGK là một. Vì chỉ có một chương trình và một bộ SGK, kéo theo nhà trường, giáo viên ngại đổi mới, hạn chế tư duy sáng tạo.

“Trong Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT quy định một chương trình và nhiều bộ SGK. Khi đó, SGK là tài liệu tham khảo, đôi khi việc giáo viên hoàn toàn có thể thay đổi, bổ sung dữ liệu bài giảng qua từng bộ SGK, nội dung một bài giảng có thể dùng nhiều bài và đổi nội dung từ chủ đề này sang chủ đề khác. Đơn cử chủ đề 1 chưa phù hợp với thực tế dạy tại địa phương hay nhà trường, lớp học thì có thể để cuối năm.

Khi có Chương trình GDPT 2018, giáo viên có thể lựa chọn, tham khảo nhiều nội dung tài liệu khác nhau ở các bộ sách. Một chương trình nhiều bộ SGK là một trong những bước đi đột phá, tạo điều kiện cho giáo viên, nhà trường đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy hướng tới học sinh”. - Cô Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội

Với đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách của Hà Nội vô hình chung đang quay trở lại chương trình SGK năm 2006 thuận lợi cho nhà quản lý, chỉ đạo, tập huấn, dự giờ… một chương trình và một bộ sách.

Trong khi đó, mỗi trường có những điều kiện và đối tượng học sinh, nhân sự giáo viên khác nhau. Bởi vậy, nghiên cứu đề xuất đó không phù hợp và làm hạn chế sự phát triển của các nhà trường.

Với Chương trình GDPT 2018, một chương trình nhiều bộ SGK và trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT việc mỗi nhà trường cần xây dựng chương trình giáo dục, mỗi giáo viên cần xây dựng chương trình dạy học cho lớp mình. Bởi mỗi giáo viên có phương pháp, nội dung hướng dẫn học sinh khác nhau.

Theo yêu cầu của biên soạn SGK có các phần (khám phá, thực hành, luyện tập và vận dụng), thì trong phần vận dụng có mức độ khác nhau và không nhất thiết tất cả học sinh trong lớp phải vận dụng. Học sinh có học lực ở mức độ mặt bằng chung thì chỉ cần đạt mức áp dụng thực hành vào bài học hoặc học sinh có năng lực học tốt hơn có thể vận dụng kiến thức học vào cuộc sống, sáng tạo.

Chương trình GDPT 2018 là bước đột phá gỡ rối cho giáo viên và nhà trường trong việc biên soạn chương trình giáo dục nhà trường và trong việc dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội, hiện sử dụng 4 bộ sách và yêu cầu giáo viên tự nghiên cứu sau đó báo cáo Ban giám hiệu và tổ chức bỏ phiếu kín từng môn để đưa ra lựa chọn bộ sách. Sau khi có kết quả bỏ phiếu sẽ họp công khai với giáo viên và công bố trong Hội đồng Sư phạm nhà trường về sách được lựa chọn và báo cáo lên Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm.

Nhà trường tham gia tập huấn SGK do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng như mời chính tác giả viết sách về tập huấn cho giáo viên về bộ sách. Những môn cơ bản thì chọn bộ sách Kết nối, Mỹ thuật chọn sách Chân trời sáng tạo, môn Tin học vừa sử dụng bộ sách Kết nối vừa kết hợp bộ sách điện tử mà giáo viên biên soạn theo chương trình nhà trường.

Mặc dù chọn bộ sách Kết nối nhưng chỉ là tài liệu tham khảo chính, khung chương trình của Bộ GD&ĐT vẫn là chính. Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội mua thêm những bộ sách khác để thư viện và cung cấp cho giáo viên tham khảo trong quá trình giảng dạy để biên soạn cho từng lớp, khối mình và nhà trường.

Sau mỗi học kỳ, năm học, học sinh của lại phát động phong trào ủng hộ sách cho thư viện nhà trường. Nhà trường giữ lại một lượng sách để thư viện và học sinh ở trường khác chuyển đến thì hoàn toàn có thể lấy sách học tiếp, tham khảo, tiết kiệm chi phí.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm): Cần chủ động và trách nhiệm

Cô Nguyễn Thị Hạnh.

Cô Nguyễn Thị Hạnh.

Từ năm học 2020 - 2021, Chương trình GDPT 2018 được triển khai giảng dạy bắt đầu từ khối lớp 1. Chương trình mới thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật so với chương trình cũ.

Khác với hướng tiếp cận nội dung trong Chương trình GDPT 2006, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học. Qua đó, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực mà nhà trường, xã hội kì vọng.

Nội dung các môn học được thiết kế theo chủ đề, chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của lớp học, cấp học trong từng môn và từng lớp học, cấp học. Mặt khác, chương trình mới cũng trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục. Nhờ đó, qua 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, kết quả tích cực ban đầu đã được thể hiện rõ rệt.

Về việc lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, nếu tất cả các trường trên địa bàn TP Hà Nội sử dụng chung danh mục SGK theo từng khối lớp sẽ có nhiều thuận lợi. Đối với các nhà trường, giáo viên sẽ thuận lợi chia sẻ, trao đổi về chuyên môn trong nhóm các trường có các điều kiện cơ bản giống nhau trong quận, thành phố, từ đó, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, áp dụng hiệu quả vào thực tế giảng dạy tại địa phương mình.

Đối với cha mẹ học sinh, học sinh, điều này sẽ giúp tránh lãng phí, học sinh các khóa sau dễ dàng sử dụng lại SGK do học sinh khóa trước để lại. Đặc biệt, nếu học sinh chuyển trường (trong địa bàn thành phố) thì không ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các em, học sinh không phải mua bộ SGK khác, không gây tâm lý lo lắng không cần thiết với học sinh khi học tập ở môi trường mới.

Nhà giáo Nguyễn Thế Đại, nguyên Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội): Trở về điểm xuất phát…

Nhà giáo Nguyễn Thế Đại.

Nhà giáo Nguyễn Thế Đại.

Một chương trình với nhiều bộ sách được triển khai trong Chương trình GDPT mới 2018 là sự tiến bộ tiến tới một nền giáo dục khai phóng như nền giáo dục của những nước phát triển. Nếu chọn một bộ SGK cho một địa phương hay toàn quốc là sự trở về điểm xuất phát trước khi đổi mới giáo dục.

Việc yêu cầu nhà trường/giáo viên chọn sách để dạy cũng chỉ để phục vụ cho các nhà xuất bản lập kế hoạch xuất bản SGK có hiệu quả kinh doanh cao chứ không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học.

Chuẩn mục tiêu đào tạo, kiến thức kỹ năng của Chương trình GDPT mới là cơ sở pháp lý để đánh giá chất lượng GD&ĐT. SGK cũng chỉ là một loại sách tham khảo chính để giáo viên soạn giảng bài. Vì vậy, giáo viên giỏi là cần đọc tất cả các cuốn sách của các tác giả để soạn bài dạy học sinh của mình. Không nên quy định mỗi trường chọn sách của một nhà xuất bản để dạy và học. Làm như vậy cũng là áp đặt hạn chế sự chủ động sáng tạo và trách nhiệm giảng dạy của mỗi giáo viên.

Mỗi thư viện của nhà trường phải trang bị đủ các bộ SGK của các nhà xuất bản để giáo viên và học sinh tham khảo. Ngoài bộ sách chính mà nhà trường lựa chọn, giáo viên cần lựa chọn kiến thức hay từ nhiều nguồn để đưa vào bài dạy của mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Tránh tràn lan, tiêu cực

Cô giáo Nguyễn Thị Hà.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà.

Phải nhấn mạnh Chương trình GDPT 2018 với “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” đang mang tới khởi sắc về thành tích, sự đổi mới trong công tác dạy và học của nền giáo dục nước nhà.

Trong quá trình triển khai chương trình bộc lộ hạn chế và nhận được phản hồi trái chiều từ dư luận nhưng việc thực hiện đã ổn định hơn, nhiều địa phương cũng đã chọn lựa sách ổn định đưa vào giảng dạy và nhiều giáo viên cũng đã quen với việc có nhiều bộ sách.

Đâu đó vẫn còn những hạn chế là nằm ở công tác quản lý phát hành sách, thẩm định và lựa chọn sách. Trong công tác lựa chọn sách, dư luận vẫn có những luồng thông tin, ý kiến về hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn SGK.

Việc chọn SGK nên được thực hiện với tinh thần đảm bảo phù hợp với đặc thù vùng miền, giáo viên, học sinh trong cơ sở giáo dục. Vì vậy, các hướng dẫn của cơ quan chức năng theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách là rất cần thiết. Khi chương trình của mỗi cấp học, lớp học đã là chuẩn thống nhất thì SGK đa dạng sẽ tăng sự lựa chọn học liệu cho phù hợp với điều kiện học tập của từng địa phương.

Trong thực tiễn giảng dạy, điều mà tôi thấy nhiều giáo viên băn khoăn về việc thực hiện nhiều bộ SGK là việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là đối với các kỳ thi lớn, có đảm bảo được sự thống nhất chương trình giữa các bộ sách hay không? Có thiên vị bộ sách nào không? Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần xem xét, cân nhắc thật thận trọng trong khâu thiết kế các bài kiểm tra, bài thi đảm bảo công bằng cho học sinh sử dụng các bộ sách khác nhau.

Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng SGK và giảm chi phí, gánh nặng cho phụ huynh đầu năm học mới, các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Cần có các biện pháp để quản lý việc lựa chọn SGK tránh tràn lan, tiêu cực. Đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ việc lựa chọn thành viên Hội đồng lựa chọn SGK theo tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức.

Đồng thời, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực liên quan đến SGK. Ngoài ra, các trường có thể xã hội hóa, bổ sung vào thư viện sách danh mục cho mượn bao gồm cả sách giáo khoa để cho các học sinh có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn không bị gánh nặng từ chi phí mua sách.

Nhiều bộ sách vẫn “tiện đôi đường”

Kết thúc năm học 2022 - 2023, nhà trường đã thông báo tới cha mẹ học sinh đăng ký mua SGK cho năm học mới. Thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều bộ sách song đa phần phụ huynh lựa chọn việc mua sách ở trường.

Việc này cũng “tiện đôi đường” cho phụ huynh, giáo viên, vì khỏi mất thời gian đi lùng sục các nhà sách để mua được quyển đúng danh mục trường đưa ra. Do đó, cha mẹ học sinh chỉ cần ký vào tờ phiếu đăng ký mua SGK, nộp tiền, đầu năm học mới con sẽ được gửi về trọn bộ SGK.

Chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, nhà trường thông báo việc mua SGK tới phụ huynh và công khai danh mục sách, giá bán. Như vậy phụ huynh chúng tôi có quyền lựa chọn mua hoặc tự mua cho con ở ngoài. - Chị Đoàn Thị Hiền (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.