Trước đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định buộc thôi việc đối với ông Đặng Thanh Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh vì có nhiều sai phạm, trong đó liên quan đến đơn tố cáo của bà Đỗ Thị Xuân Hồng đối với Công ty Việt Dương do 2 anh em ông Đặng Thanh Việt và Đặng Thanh Tùng thành lập, có dấu hiệu lừa đảo.
Theo đó, vào tháng 3/2014, Công ty Việt Dương (ở ấp Bình Hòa, xã Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh) có dự án hợp tác trồng rừng bán ngập với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa với diện tích 3.460 ha.
Do không đủ năng lực về tài chính, ông Việt và ông Tùng đích thân đến văn phòng Doanh nghiệp Thành Lợi ở huyện Tân Uyên (Bình Dương), thuyết phục bà Đỗ Thị Xuân Hồng - Giám đốc Công ty Thành Lợi - tham gia góp vốn để cùng thực hiện dự án.
Ông Đặng Thanh Việt tự giới thiệu với bà Hồng là đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, sợ nhiều người dị nghị, không tiện công khai nên để cho anh ruột là Đặng Thanh Tùng đứng ra điều hành Công ty (nhưng thực chất ông Việt chỉ là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh).
Tin tưởng ông Việt, tháng 6/2014, bà Đỗ Thị Xuân Hồng và ông Đặng Thanh Tùng cùng ký hợp đồng góp vốn. Theo thỏa thuận, bà Hồng sẽ góp 70 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 70% trong tổng vốn điều lệ 100 tỷ đồng của Công ty Việt Dương.
Bà Hồng là đại diện pháp luật cho Công ty với chức danh Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Hai anh em ông Tùng sẽ góp 30 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn điều lệ.
Việc góp vốn vào hoạt động của Công ty Việt Dương được chia thành nhiều lần. Lần 1, bà Hồng đã góp tổng cộng 10,580 tỷ đồng, tất cả đều chuyển vào tài khoản cá nhân ông Đặng Thanh Tùng tại Ngân hàng SacomBank, chi nhánh Hóc Môn. Còn anh em ông Tùng chưa góp được đồng nào vào tài khoản Công ty.
Đầu năm 2016, bà Hồng phát hiện tỷ lệ góp vốn trong giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 13 của Công ty Việt Dương bị tráo đổi. Theo đó, ông Đặng Thanh Tùng góp 70% vốn điều lệ, còn bà Hồng chỉ còn góp 30% mà bà Hồng không hề hay biết.
Qua tìm hiểu của bà Hồng, vụ việc do hai anh em ông Tùng tự ý lập biên bản họp Hội đồng thành viên để sửa đổi tỷ lệ góp vốn, trong đó có giả chữa ký đồng ý của bà Hồng. Đồng thời ông Tùng tự đặt mình vào vị trí Giám đốc điều hành, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bà Hồng chỉ là thành viên Công ty.
Khi phát hiện sự việc giả mạo chữ ký để xin thay đổi, bổ sung giấy đăng ký kinh doanh, bà Đỗ Thị Xuân Hồng yêu cầu ông Việt và ông Tùng phải phục hồi lại như giấy phép kinh doanh ban đầu, nhưng hai anh em ông Việt không đồng ý.
Bà Hồng yêu cầu trả lại số vốn (10,580 tỷ đồng) đã góp, không tham gia Công ty nữa, cũng bị hai người này phớt lờ. Do vậy, bà Hồng làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng nhờ giải quyết.