Dự kiến Quốc hội làm việc 22 đến 25 ngày. Họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/10/2019 (do ngày 20/10 là ngày chủ nhật) và bế mạc vào ngày 20/11/2019.
Về công tác lập pháp (11,75 ngày), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 8 dự án luật.
Các vấn đề KTXH, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (9,5 ngày), Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về KTXH, ngân sách nhà nước; Đề án tổng thể đầu tư phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện giám sát chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc (nếu có)...
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao. Trước mắt, đối với nội dung về KTXH, ngân sách nhà nước: đề nghị không bố trí thảo luận ở tổ và tăng thời gian thảo luận ở hội trường (từ 2,5 lên 3 ngày), đồng thời, giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút.
Cùng với đó, đề nghị giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy, đồng thời, nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi tài liệu để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử.
Ngoài ra, sẽ thực hiện cải tiến việc xin ý kiến ĐBQH bằng hệ thống điện tử theo hướng trên màn hình điện tử thể hiện đồng thời cả “phương án 1” và “phương án 2” để đại biểu bấm nút chọn một trong hai phương án (thay vì bấm nút chọn “đồng ý” hoặc “không đồng ý” đối với từng phương án).