Đừng làm người xa lạ…
“Sự chừng mực ôn hòa trong thái độ sống và cách nhìn nhận hành xử trong cuộc sống sẽ có tác động tốt tới các con. Không ai có thể tránh xa những căng thẳng tinh thần trong đời sống, song điều quan trọng ở người cha người chồng chính là sự biết kiềm chế và cân nhắc trước khi hành động”.
Nghe bác sĩ Minh Tuấn phân tích, tư vấn trong những ngày lui tới chăm sóc con ở Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Hà Nội và ngẫm lại cả chặng đường dài thiếu quan tâm, để con hụt hẫng tự mình đi qua tuổi thơ của nó, anh Khang – cha của Minh, chua chát thừa nhận: “Đây là điều mà tôi không làm được. Sự bận rộn của tôi không được thằng bé chấp nhận. Nó luôn bức xúc vì thấy mình không được quan tâm, không được coi trọng, dù tôi có giải thích kiểu gì. Ngoảnh đi ngoảnh lại hai đứa con lớn lúc nào. Lẽ ra tôi phải hy sinh một vài điều quan trọng với tôi nhưng không quan trọng với gia đình để dành thời gian cho con. Những cơ hội cùng con khôn lớn đã mất đi mãi mãi, giờ chẳng biết làm cách nào lấy lại niềm tin tưởng vào cuộc sống cho con”?
Khác với anh Khang, anh Hưng (Công ty Dược phẩm Trung ương 2) trong mắt chị Liên Hương - vợ anh lại mắc tội “yêu con nghiện con quá mức”. Ngày trước, lúc bọn trẻ còn bé, mình luôn mồm yêu cầu chúng nó phải biết cất đồ chơi không bày bừa, ông ấy đã chả nghiêm khắc nhắc nhở thì chớ lại còn cùng ngồi dọn đồ chơi cùng con. Mình cần cái uy của ông ấy chứ cần gì ba cái việc nhúng chân đụng tay vụn vặt ấy. Lúc nào cũng bình tĩnh như không, ngay cả khi cái Lan Anh và thằng Bảo Trung mắc lỗi to lắm, mình cần ông ý lớn giọng đe nẹt để thị uy thì vẫn cứ nhẹ nhàng, lịch sự như không.
Vừa nghe chị Hương “chê chồng”, mọi người đã ào ào phản bác, ai cũng nói anh Hưng đúng là một ông chồng hoàn hảo và là một người bố tốt. Cứ nhìn ánh mắt trìu mến anh dành cho vợ con thì biết. Cần gì phải quát mắng mới khiến con nghe lời? Cái cách bọn trẻ nhà chị Hương răm rắp mọi điều là thấy hiệu quả giáo dục của ông bố có tiếng là “nhu mì” kia.
…Làm cha tốt thế nào?
Bên cạnh những ông bố chỉ dùng quyền uy để “nói chuyện” với con vẫn có nhiều ông bố lựa chọn cách tương tác với con cái sẽ đem lại những khoảnh khắc, những kỷ niệm không thể quên được của hai bố con. Những điều này giúp hình thành sự tin tưởng và thoải mái cho con, cũng củng cố tình cảm của con với bố mẹ. Bởi họ nghĩ, làm bố đâu phải cứ “đao to búa lớn” mới khiến con cái sợ rồi miễn cưỡng nghe lời.
Có nhiều người bố rất yêu con, cho con mọi thứ nhưng chưa phải là người bố tốt. Một trong những điều tốt nhất người cha có thể làm cho con mình đó là trân trọng mẹ của con. Khi người bố và người mẹ tôn trọng lẫn nhau thì đứa trẻ sẽ có được một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Con cái cần một môi trường an toàn và yên ổn. Khi đứa trẻ thấy cha mẹ mình trân trọng nhau, chúng cũng sẽ cảm thấy chính mình được chấp nhận và được trân trọng hơn.
Khác với sự bao bọc quá mức của mẹ với con, người bố thường thoải mái hơn khi dạy trẻ, nam giới có khuynh hướng tham gia nhiều vào các hoạt động vai kề vai với con cái. Đó có thể là cùng xem một bộ phim, cùng sáng tạo các đồ thủ công hay dạy con đi xe đạp... cùng con chơi các trò vận động mạnh, cho phép con chấp nhận thử thách... là những cách người cha giúp con trưởng thành, tự tin tốt hơn mẹ. Người bố tỏ ra dễ dãi hơn trước sự lộn xộn và những vết xây xước chân tay của con và họ sẵn sàng để con cái lựa chọn giải pháp của chính chúng. Chính những yếu tố này bồi đắp sự tự tin, tinh thần trách nhiệm và khả năng phục hồi sau sự cố thay vì nuông chiều con làm giảm cảm giác tự tin và độc lập của trẻ.