Nếu không có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này thì tình trạng nghèo đói, thất học và chất lượng dân số ngày càng sụt giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng đến thể chất của các em, nhất là các em gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hết, việc quan hệ tình dục sớm, mang bầu, rồi nuôi con khiến sự phát triển đầy đủ của người phụ nữ bị chậm lại, thoái hoá. Bên cạnh đó, việc phải nuôi con thiếu hiểu biết cũng như ý thức trách nhiệm chưa có, khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, dễ mắc bệnh…
Khi xảy ra tình trạng tảo hôn, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, ngó lơ để gia đình hai bên tổ chức đám cưới. Bởi vì khó có thể ngăn chặn việc kết hôn khi chưa đủ tuổi vì những lý do như “ván đã đóng thuyền”, cả nể, ngại va chạm, không kiên quyết xử lý, đây là những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng tảo hôn đã và đang tiếp diễn.
Khi phát hiện những trường hợp tảo hôn tại địa phương, chính quyền cấp xã mời lên làm việc, tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Đồng thời, không làm thủ tục đăng ký kết hôn cho những cặp đôi chưa đủ tuổi. Mặc dù đã được chính quyền xã ra sức ngăn chặn, xử phạt, không cho kết hôn nhưng các em vẫn phải sống như vợ chồng, sinh con đẻ cái, nhiều trường hợp chị em phụ nữ vừa mới tròn 30 tuổi đã lên chức bà nội.
Khi trao đổi về vấn đề này, thì một số chính quyền địa phương cho rằng, việc xử lý vấn nạn tảo hôn đến nơi đến chốn là rất khó khăn. Nếu chính quyền làm quyết liệt, tức là ngăn cấm không cho sống chung có thể dẫn đến việc hai bên nam nữ tự tìm đến cái chết thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Do vậy, chính quyền xã chỉ xử phạt vi phạm hành chính, chưa cho đăng ký kết hôn và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm chứ không thể làm quyết liệt. Xảy ra tình trạng tảo hôn nhưng chưa gây hậu quả nên rất khó khởi tố vụ án hình sự đối với người tảo hôn và tổ chức tảo hôn. Đây là những trăn trở của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn xảy ra trên địa bàn.
Để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn, hiện nay tại các địa phương miền núi, giải pháp tối ưu nhất vẫn là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân; khi phát hiện tình trạng tảo hôn, chính quyền cấp xã cần nhanh chóng vào cuộc, phối hợp cùng gia đình, đoàn thể ngăn chặn, vận động không cho chung sống như vợ chồng hoặc kịp tư vấn sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ...
Đặc biệt, nếu hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tiến hành khởi tố, xét xử lưu động nhằm giáo dục, răn đe người vi phạm. Đồng thời, quan tâm đến việc giáo dục, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở địa phương miền núi sẽ góp phần hạn chế tình trạo tảo hôn đã và đang là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay.