Để không ai bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập.

Đặt con người là trung tâm của quá trình phát triển

Tọa đàm về “Chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” là sự kiện quan trọng lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quản lý giữa Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan Liên Hợp Quốc.

Tọa đàm tập trung thảo luận và chia sẻ định hướng chiến lược quản lý và phát triển xã hội đối với Việt Nam. Mục đích nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Đồng thời trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ về định hướng của Việt Nam trong thời gian sắp tới với việc đặt con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện. Đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau. Tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện. Chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế. Hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại. Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động.

Việt Nam có kế hoạch ban hành một văn kiện mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục đích để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo văn kiện mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thảo luận, thông qua tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (nửa đầu năm 2023).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại tọa đàm.

Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội toàn diện, bền vững

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề, như bảo hiểm xã hội toàn dân. Tăng cường bảo hiểm xã hội bắt buộc, các chính sách mang tính lồng ghép giới nhiều hơn để ứng phó với những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Bà Pauline Tamesis nhấn mạnh, điều này cần phải được thể hiện ngay trong quá trình lập chính sách để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

“Chúng tôi sẽ luôn luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để xây dựng và thực hiện bất kỳ chính sách xã hội nào mang tính bao trùm, để tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội được bao phủ. Đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa hệ thống an sinh xã hội không chỉ nhằm bảo đảm công bằng xã hội, phát triển con người mà còn là phát triển đất nước”, bà Pauline Tamesis nói.

Trước những vấn đề đang đặt ra hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn sắp tới cần xây dựng và thực hiện chính sách xã hội toàn diện, bền vững. Phát huy tính ưu việt của chế độ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội. Đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, có chất lượng, cơ hội tiếp cận công bằng về dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội.

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại. Hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro kinh tế - xã hội và môi trường. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, tạo việc làm có năng suất cao và bền vững. Tập trung đầu tư phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phổ cập nghề cho người lao động.

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách xã hội tương xứng khả năng, điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ