(GD&TĐ) - Việc tập dượt khai giảng trước hàng tuần là công việc nhiều nhà trường tiến hành. Bước làm nháp này chủ yếu với mục đích giúp cho ngày khai giảng chính thức diễn ra trôi chảy. Tuy nhiên, sự chuẩn bị quá chỉn chu đã khiến cho cảm giác hồi hộp, thiêng liêng của học sinh trong ngày khai giảng chính thức mất đi.
Khổ vì tập khai giảng
Tưng bừng lễ khai giảng. Ảnh: Lê Văn |
Chị Thanh Hà – Chùa Bộc (Hà Nội) kể lại: Năm ngoái con gái vào lớp 1, năm đầu tiên bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Thế nhưng tới ngày khai giảng chính thức thì bé tỏ ra mệt mỏi và không mấy hứng thú. Không cần hỏi, chị cũng biết nguyên nhân bởi trước khi diễn ra ngày khai giảng chính thức, nhà trường đã triệu tập học sinh tới trường trước cả tuần để rèn nội quy, và đặc biệt để tập dượt khai giảng với việc xếp hàng, tập hát, tập đứng nghiêm, tiến qua lễ đài... Thế nên đến ngày khai giảng thực, cảm xúc hồi hộp, háo hức của bé gần như tuột mất, thay vào đó là sự mệt mỏi, chán nản.
Với Thanh Hoàng, năm nay vào lớp 3 một trường tiểu học quận Đống Đa (Hà Nội) cũng vậy. Cậu bé gần như chẳng hề háo hức ngày khai giảng. Em nói với bố mẹ rằng năm nào trước khai giảng cũng tập dượt những động tác mà con đã quá biết. Năm ngoái, chỉ sau tuần tập dượt khai giảng cậu bé đã thuộc vanh vách lời dẫn chương trình “Hôm nay ngày mồng 5 tháng 9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày khai giảng năm học mới....trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, các em học sinh nô nức tựu trường đón chào năm học mới...”.
Hơn nữa, cuối tháng 8 dẫu thời tiết không còn nắng gắt song việc ngồi yên dưới hàng ghế dưới sân trường cũng trở thành một cực hình với trẻ. Buổi tập dượt khai giảng nào các bé cũng đầm đìa mồ hôi, mệt mỏi trông thấy, chẳng hề có niềm vui, ngoài sự phục tùng những mệnh lệnh đứng ngồi, đi lại, hô khẩu hiệu... Có chăng, ở ngày khai giảng chính thức các bé sẽ phải làm lại những động tác y trang những hôm trước với thao tác nhuần nhuyễn hơn, mất đi sự ngơ ngác, hồn nhiên của ngày đầu được gia đình đưa tới trường, các thầy cô cầm tay đón vào trường, lớp.
Hãy để ngày khai giảng trở lên ý nghĩa với học trò. Ảnh: Lê Văn |
Trên diễn đàn mạng, một bà mẹ viết: Cũng chẳng có gì đáng nói nếu muốn làm tốt một việc gì đó. Song với việc tổ chức tập dượt đã thành quen lệ nhiều năm, nhà trường có lẽ đã bỏ quên một phần quan trọng, đó là cảm xúc của học trò.
Một mẹ khác lại đặt câu hỏi: Cảm xúc gì ở đây, khi lễ khai giảng chỉ là buổi diễn lại? Việc tập dượt khai giảng đã giết chết những cảm xúc đầu đời đáng yêu một cách... tưởng chừng như vô hại mà nguy hại. Chẳng có cảm xúc gì nữa. Khai giảng là trách nhiệm đúng giờ, đứng ngay hàng, im lặng... Mà đúng ra là trách nhiệm của người lớn, chứ chẳng phải của học trò.
Rồi rất nhiều tâm sự khác kiểu như: Con trai đi khai giảng về người lừ đừ, chả có lấy 1 nụ cười. Mẹ hỏi hôm nay vui không con. Con lắc đầu nguầy nguậy, kêu chán lắm. 2 năm đi khai giảng rồi, năm nào con cũng kêu chán. Và cả những than vãn của các mẹ: Khổ, chẳng biết tập dượt gì mà lắm thế. Trước cả tuần lễ phải đưa con gái út đi khai giảng trù bị, học quay ngang - dọc, trái - phải, nghiêm - nghỉ... Hôm qua khai giảng con gái lăn ra sốt, làm cả nhà lo lắng... Trẻ con bây giờ lắm cái khổ. Khai giảng cũng không còn là ngày vui của trẻ nữa.
Xin đừng đánh mất cảm xúc thật
Khai giảng – Vì sao phải tập? Đó là câu hỏi nhiều phụ huynh đặt ra khi chứng kiến những ngày khai giảng đã nguội cảm xúc của con cái. Và không hiểu mỗi giáo viên, hiệu trưởng... khi nghe thấy học sinh nói với bố mẹ ngay tại cổng trường vào ngày khai giảng rằng: “Đi khai giảng chán lắm, nắng nóng mệt mỏi. Ước gì con được ở nhà chơi” có chạnh lòng tiếc thay cho các cháu không?
Phải chăng các nhà trường, thầy cô quá kỳ vọng, mong muốn một buổi lễ khai giảng không có sai sót, diễn ra hoành tráng, chỉn chu, để đẹp mặt hơn với quan khách, phụ huynh tham dự khai giảng?
Xét cho cùng những mong muốn của các trường, thầy cô về một buổi khai giảng hoàn hảo nhất có thể cũng chẳng sai. Song các nhà trường và thầy cô cũng cần thấu hiểu việc tổ chức tập dượt đến nhuần nhuyễn những lễ khai giảng trước khi diễn ra chính thức không chỉ mang đến cho học trò sự mệt mỏi về thể xác, tâm lý mà còn đánh mất đi cảm xúc háo hức, rưng rưng, hồi hộp quay trở lại trường lớp gặp lại thầy cô. Mất đi cảm xúc đáng yêu tuổi học trò tưởng chừng như vô hại nhưng thực tế lại rất nguy hại.
Khi đề cập tới vấn đề này, các chuyên gia tâm lý giáo dục đã phân tích: Việc học và tập khai giảng trước tưởng như không có gì phi lí. Nhưng thực sự có tới hai lần sai lầm. Đầu tiên, việc học trước lễ khai giảng đã đánh mất của học trò ý nghĩa của lễ hội lớn nhất tôn vinh sự học. Thứ hai, khi học sinh bị áp đặt về nề nếp trong ngày khai giảng sẽ đánh cắp những rung động trong sang của tuổi học trò. Mà đã bị áp đặt thì không thể có được khoảng không cho cảm xúc thăng hoa.
Ngày khai giảng năm học mới đã cận kề. Không biết còn bao lâu nữa việc tập dượt khai giảng mới kết thúc? Câu hỏi làm sao để buổi lễ khai giảng để lại cảm xúc thiêng liêng, hồi hộp trong tâm hồn, cuộc đời mỗi học sinh vẫn còn để ngỏ câu trả lời.
Việc tổ chức lễ khai giảng năm học, bao gồm phần “lễ” trang trọng và phần “hội” vui tươi, nhằm tạo tâm lý phấn khởi, sẵn sàng bước vào năm học mới của các thầy cô giáo, các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội. Các hoạt động của buổi lễ được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, có tác dụng thiết thực, tạo dấu ấn tốt đẹp, thực sự là ngày hội đối với các thầy cô giáo, các em học sinh, tránh phô trương, hình thức... (Theo công văn của Bộ GD&ĐT gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về chuẩn bị khai giảng năm học mới 2013 – 2014) |
Ngọc Hà