Để học sinh hứng thú với môn Lịch sử

GD&TĐ - Nhắc đến môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông, không ít học sinh cảm thấy ngại và nản, vì đó là môn “học thuộc”, phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện, số liệu. Phải làm gì để môn Lịch sử gần gũi với đời sống, thắp lên niềm hứng thú, đam mê cho các em?

Đổi mới dạy học để học sinh yêu thích môn Lịch sử (ảnh minh họa)
Đổi mới dạy học để học sinh yêu thích môn Lịch sử (ảnh minh họa)

Lâu nay không ít học sinh ngại môn Lịch sử, cho đó là môn học thuộc lòng với “núi” kiến thức về sự kiện, số liệu, nhân vật, nguyên nhân, diễn biến, kết quả... với bao nhiêu giai đoạn, thời kỳ. Chỉ nghĩ đến từng ấy thôi cũng đã thấy rối và nản lòng. Vì thế với môn Lịch sử, các em cảm thấy thiếu hứng thú, học một cách thụ động.

 Chương trình môn Lịch sử hiện hành nặng về kiến thức hơn là kỹ năng, phương pháp kiểm tra và đánh giá thiên về nhận biết hơn thông hiểu, vận dụng, liên hệ thực tế. Điều đó, vô hình trung làm cho các em hiểu lịch sử đơn giản chỉ là những gì xảy ra trong quá khứ, đã qua từ lâu, không liên hệ gì đến hiện tại, không liên quan gì đến tương lai.

Giảng dạy Lịch sử cần cho các em thấy rõ những “bài học” từ quá khứ, có mối liên hệ đến hiện tại và dự báo về tương lai.

Victor Hugo - nhà tư tưởng vĩ  đại của nước Pháp và thế giới đã nói rằng: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Vì vậy, người dạy cần cho các em thấy trong hiện tại hôm nay có hình ảnh của quá khứ hôm qua.

Điều đó không chỉ đúng với lịch sử một dân tộc mà còn đúng với lịch sử cá nhân mỗi người. Muốn tìm hiểu thông tin, đánh giá về một người, người ta cần dựa vào quá khứ và hiện của người đó. Muốn dự đoán viễn cảnh trong tương lai, người ta cần dựa vào cả hiện tại và quá khứ của người đó để xem xét.

Lịch sử của nhân loại suy cho cùng là lịch sử đấu tranh cho tự do. Nhà triết họcHegel nói: “Lịch sử của thế giới chính là tiến trình của ý thức tự do”. Còn Karl Marx thì nói rằng: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp.

Hiểu điều này, các em sẽ hiểu con người ta đấu tranh vì cái gì, vì ai. Từ đó thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do, đồng thời phân biệt được tư tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và tư tưởng xâm lăng bành trướng, đập tan luận điệu phủ nhận đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

 Lịch sử không mãi mãi là dĩ vãng, lùi sâu vào quá khứ và đứng yên. Lịch sử phát triển theo đường xoắn ốc, vòng tròn lịch sử sẽ lặp lại ở tầng cao hơn theo hướng phát triển. Học sử, các em cần hiểu được điều này, nếu không tham quan bảo tàng lịch sử bao nhiêu lần cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Cần dạy cho các em thấy lịch sử trong hiện tại. Các em phải thấy được đằng sau lớp rêu phong của di tích, lăng tẩm, đền đài là cái gì. Đằng sau lớp trầm tích của cổ vật đồ đá, đồ đồng, đồ sắt là cái gì.

Dạy sử, cần giúp các em hiểu những từ, những câu cửa miệng như: “vòng quay lịch sử”, “bánh xe lịch sử” đến câu ngạn ngữ Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”, từ đó các em biết tôn trọng lịch sử và ứng xử văn minh với quá khứ.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói rằng: Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời”. Chúng ta cần dạy cho các em lòng tự hào, tự tôn dân tộc với những chiến công trong quá khứ và đồng thời cho các em thấy rằng “không được ngủ quên trong chiến thắng”, từ đó các em sẽ ý thức được sứ mệnh của mình dòng lịch sử phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.

Hiểu quá khứ để ý thức được hiện tại và từ hiện tại định hướng xây dựng tương lai. Thiết nghĩ, trong dạy học môn Lịch sử cần cho các em từ biết đến hiểu, từ hiểu đến hứng thú, từ hứng thú đến đam mê.

Sẽ không có nhân tài nào xuất hiện, phát minh nào ra đời khi không có sự đam mê, sáng tạo. Các thầy cô hãy là người thắp ngọn đuốc đam mê học tập môn Lịch sử cho các em.                                                                                     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.