Việc bảo tồn vốn đã loay hoay, việc quảng bá nghệ thuật hát bội lại càng khó khăn hơn nên không ít ý kiến tiêu cực xuất hiện trên các hội nhóm mạng xã hội cho rằng: Thời này ai xem hát bội? Hát bội giờ hát ít đọc nhiều… Thế nhưng, bên cạnh những băn khoăn vẫn còn những cố gắng quảng bá nhằm lan tỏa nghệ thuật hát bội ra với bạn bè quốc tế.
Hát bội đến Hàn Quốc
Nghệ thuật hát Bội trong triển lãm tại Hàn Quốc. |
Theo giới nghiên cứu, để bảo tồn và quảng bá nghệ thuật hát bội, cần sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước và nghệ sĩ. Bên cạnh việc tạo cơ chế đặc thù, đẩy mạnh đầu tư thì phải tìm kiếm, đào tạo thế hệ nghệ sĩ tâm huyết kế thừa. Chúng ta không thể gìn giữ nếu không có nghệ sĩ tâm huyết, hát bội không thể vươn ra thế giới nếu mầm mống không được vun trồng hoặc không có chiến lược và sự đầu tư bài bản.
Triển lãm “Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea” (Những danh tính khác: Mặt nạ ở Đông Nam Á và Hàn Quốc), diễn ra từ ngày 26/4 - 23/7 do Trung tâm Mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á tại Hàn Quốc đồng tổ chức nhằm giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể có liên quan đến mặt nạ/vẽ mặt từ Hàn Quốc và 10 quốc gia Đông Nam Á thông qua hơn 200 mặt nạ, trang phục và nội dung đa phương tiện.
Đáng chú ý tại sự kiện này là sự xuất hiện của nghệ thuật hát bội Việt Nam do Hiếu Văn Ngư thực hiện. Được thành lập từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish là dự án khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả trẻ thông qua chuyện kể, workshops, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng.
Hiếu Văn Ngư là nhóm các bạn đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chia sẻ sự thương mến đối với các chất liệu nghệ thuật Việt Nam: Lục Phạm Quỳnh Nhi, Hà Thúc Đức Tùng, Vương Hoài Lâm, Josh Trombley, Tạ Ngọc Uyên Phương, Nguyễn Lê Thanh Thảo, Hà Hoàng Minh Trang, Trần Thị Minh Thùy...
Đại diện Hiếu Văn Ngư cho biết, Triển lãm “Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea” gồm 5 phần. Phần 1 giới thiệu nguồn gốc mặt nạ, giới thiệu các hình thức thực hành tín ngưỡng (shaman) và giải trí có sử dụng mặt nạ; Phần 2 nói về các truyền thuyết và mặt nạ Đông Nam Á qua các câu chuyện dân gian;
Phần 3 giới thiệu hát bội Việt Nam như một hình thức diễn xướng có sử dụng kỹ thuật vẽ mặt (gần với mặt nạ); Phần 4 giới thiệu mặt nạ Philippines xuất hiện trong các lễ hội cùng các tác phẩm đương đại; Phần 5 giới thiệu nghệ thuật Talchum Hàn Quốc.
Ngoài ra, ban tổ chức còn dụng tâm sử dụng tò he để nặn thành các nhân vật hát bội theo nguyên mẫu do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM. Đồng thời, một mô hình sân khấu hát bội thu nhỏ theo nguyên mẫu từ Đoàn Nghệ thuật hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh mà Hiếu Văn Ngư từng giới thiệu trong dự án “Hát bội 101”.
“Dù không thể đến trực tiếp để ngắm nghía hát bội trong triển lãm nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm lòng vì sự trân trọng của người Hàn Quốc đối với hát bội Việt Nam. Nhìn mấy chữ “đào”, “kép” rồi tên nhân vật tiếng Việt trong bản dịch tiếng Hàn mà cảm động. Nếu bạn đang có mặt tại Busan hoặc có kế hoạch đến xứ sở kim chi, hãy đến triển lãm thú vị này”, đại diện Hiếu Văn Ngư chia sẻ.
Làm gì để hát bội vang xa?
Để hát Bội ra với quốc tế, cần chiến lược và sự đầu tư bài bản. |
Các tư liệu về lịch sử nghệ thuật tuồng cho thấy, năm 1627 Đào Duy Từ là người đầu tiên mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng (hát bội). Giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế ngày nay vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư, và coi năm 1627 là mốc khởi đầu của lịch sử tuồng Huế.
Từ thế kỷ 17, tuồng Huế đã được hình thành và nhanh chóng chiếm được tình cảm của dân chúng. Quan trọng hơn, tuồng được các chúa Nguyễn trọng dụng để dần biến thành “quốc kịch” ở miền Nam. Trong một thời gian dài, hát bội trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người miền Nam.
Thế nhưng, từ khoảng những năm 2000 trở lại đây, hát bội ít được ưa chuộng. Theo thống kê của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, mỗi năm nhân lực cứ giảm dần dù nhà hát luôn nỗ lực tổ chức đào tạo, tìm kiếm, rộng cửa chào đón lớp trẻ đầu quân.
Trước nguy cơ mai một nghệ thuật hát bội, nhiều tỉnh, thành phía Nam từng ra sức họp bàn tìm cách chấn hưng nét văn hóa này. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, các địa phương và các nhà hát vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn “kinh phí - nhân lực - đầu tư - từ đâu?”.
Việc bảo tồn đã khó, việc phát huy và quảng bá giá trị của di sản hát bội ra với thế giới còn khó hơn. Có thể nói, trong suốt hàng chục năm qua hiếm có dự án nào lan tỏa hát bội ra quốc tế. Hoặc có đi chăng nữa, cũng chỉ là một vài hình thức giới thiệu, trưng bày hình ảnh, trang phục… chứ không có sự trọn vẹn tổng thể.
Kinh kịch của Trung Quốc cũng từng rơi vào hoàn cảnh giống như hát bội của Việt Nam. Thế nhưng đến nay, trên nền tảng mạng xã hội các video về Kinh kịch đã lan tỏa khắp thế giới.
Video quảng cáo của Genshin Impact - trò chơi nhập vai thế giới mở do Trung Quốc sản xuất đã nhận được hơn 31 triệu lượt xem và 2 triệu lượt thích trên nền tảng chia sẻ video Bilibili. Phiên bản có phụ đề tiếng Anh được đăng trên kênh YouTube có tới 9 triệu lượt với 360.000 lượt ưa thích.
Với cách quảng bá rộng khắp trên nền tảng công nghệ khiến du khách quốc tế đến Trung Quốc, ngoài việc ngắm các danh thắng thì phải nghe - xem Kinh kịch. Thậm chí, Nhà hát kịch lớn Trường An còn là nơi chuyên biểu diễn để quảng bá Kinh kịch đến với khách nước ngoài.
Xem người lại ngẫm đến ta. Không phải Việt Nam không quảng bá, cũng không thiếu các video hát bội. Thế nhưng, hạn chế dễ thấy là nền tảng công nghệ không được đầu tư, không có sự chuẩn bị bài bản, không chủ động quảng bá… mà hầu hết đều là tự phát, video do nhà hát tự quay hoặc do khán giả quay bằng điện thoại, chất lượng thấp không đảm bảo các tiêu chí công nghệ.