Để gió cuốn đi…

GD&TĐ - Trịnh Công Sơn là người viết những bản tình ca tạc vào trái tim biết bao người. Khi con tim rớm máu, khi con tim chưa nguôi ngoai về nỗi đau và những chia phôi trong cuộc đời, thì những lời ca, tựa như đám mây mát rượi giữa nắng trưa oi ả, phủ mát giấc mơ của biết bao người.

Để gió cuốn đi…

Con người của những thơ ca, nhạc, họa ấy luôn có trái tim không ngủ.

Con tim thao thức để gọi mặt trời.

Con tim thao thức để đợi hoàng hôn.

Con tim thao thức để cố gắng xoa dịu nỗi hanh hao trong cuộc đời phù du, nơi mà tình yêu thương và lòng nhân ái đôi khi tưởng chừng có lúc tuột rơi, biến mất. Điều đó rất có thể dẫn đến sự tuyệt vọng mà người nghệ sĩ, trong vòng ảnh hưởng của chùm sao Song ngư, rất dễ bị tổn thương, nhưng giàu lòng trắc ẩn, bao dung.

Nhưng, mang nỗi buồn, trong veo của những chú cá Song ngư, nghệ sĩ không mấy bận tâm, khi nhận ra trên đời này, tất cả chỉ là cõi phù du, để rồi, một ngày nào đó, rời cõi tạm, hóa thân vào cát bụi. Bao thù hận, ganh đua, đố kỵ, bao nỗi buồn, đau đớn… rồi cũng một ngày nào đó, biến mất khỏi cõi tạm này… Có ai biết ai đầu thai trở lại kiếp sau để nhận ra mình đã sống một cuộc đời vô vị, để rồi bắt đầu làm lại, sống tốt hơn, tử tế và lương thiện hơn?

Trịnh Công Sơn không triết lý và cũng không nhận ra mình triết lý khi lập luận và lý giải về sự sống và cái chết, về cõi nhân sinh, về cái đẹp, cái thiện, về sự phù du, cát bụi, ngắn ngủi hay vĩnh hằng…

Trong những ca khúc của ông, ta nhận ra mây, gió, trăng, sao, con đường, dòng sông… Ranh giới giữa vô hạn và hữu hạn tưởng chùng rõ rệt, mà mong manh. Trong cõi vô cùng vô tận ấy, có sự ẩn hiện của những bóng hình. Có vẻ đẹp chợt ẩn chợt hiện. Tưởng như nắm bắt được, nhưng không…

Có nỗi buồn chóng vánh chưa kịp gọi thành tên. Cũng có nỗi nhớ man mác mà cụ thể, định hình rất rõ.

Tôi chợt nhận ra đâu đó có một nỗi nhớ của Trịnh, không chỉ về một dáng hình. Giả định về cuộc chia tay, sắp đến thôi, lời ca đã thổn thức, rưng rưng: …“Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/Sỏi đá trông em từng giờ/Nghe buồn nhịp chân bơ vơ... Cồn đá rêu phong rủ buồn/Đèn phố nghe mưa tủi hờn/Nghe ngoài trời giăng mưa tuôn...” (Biển nhớ). Có lúc bóng hình thân yêu hòa vào thời gian và vũ trụ, “Gọi nắng trên vai em gầy/Đường xa áo bay/Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say/Lối em đi về trời không có mây...” (Hạ trắng).

Sự biệt ly, nếu có, cũng giống như hình ảnh “Một người về đỉnh cao/Một người về vực sâu/Để cuộc tình chìm mau/Như bóng chim cuối đèo...” (Tình nhớ). Hoặc: “Cuộc tình lên cao vút/như chim mỏi cánh rồi/như chim xa lìa bầy/như chim xa lìa trời/như chim bỏ đường bay…” (Tình sầu). Mượn hình tượng cánh chim để nói lên sự di chuyển, bất lực, hay buông xuôi? Có lẽ tất cả đều đúng.

Nghe những ca từ của Trịnh Công Sơn, ta thấy cả một vũ trụ hiện về bởi tất cả: Gió, mây, đá, sỏi, rêu, nắng, bờ cát, con sóng, dòng sông… cho đến ánh đèn, sự lặng im… cũng đều xuất hiện. Tất cả ẩn dấu trong ca từ Trịnh Công Sơn một sự bí mật, hay thông điệp trong quên lãng của quá khứ hay giấc mơ về mai sau. Hệ thống hình tượng của một trường ngữ nghĩa không thuần nhất trong một không gian trải rộng, đủ cho nỗi nhớ và tình yêu tìm về, trải rộng cho đến mênh mang. Trong không gian vô cùng vô tận ấy, con người nhập cõi và có thể thoát khỏi cõi phù sinh nếu như ý niệm và ngộ được cõi phàm.

Trịnh đo đếm thời gian và tiên lượng theo cách của mình: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/Chợt một chiều tóc trắng như vôi...” (Cát bụi). Có gì đó ngậm ngùi, rưng rưng… Đành rằng tất cả sẽ trở về hư vô, cát bụi. Nhưng với nghệ sĩ, đó là sự hóa thân, trở về với bản thể, chứ không phải về chốn địa ngục đáng sợ hãi. Triết lý sinh - diệt của Trịnh, vì thế, không bi thảm mà nhân văn hơn.

“Trên bước chân ta về, đêm đêm nhìn đường phố. Đường phố hoang vu, như cuộc đời, như tình mình… Làm sao em biết cuộc sống buồn tênh…”. Chiều liên tưởng ở đây đi từ cụ thể đến vô thức, cảm nhận được mà không nắm bắt được.

Tôi thích nhất ca từ của Trịnh, khi cảm nhận ra sự bao dung và cái thiện bao trùm tất cả của Trịnh: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em có biết không? Để gió cuốn đi…”. Sự khác biệt của Trịnh, không hẳn ở tính triết lý, cũng không hẳn ở độ động rung tinh tế và khiến lòng người lao đao trong cảm xúc của mỗi ca từ, mà còn ở ý nghĩa nhân văn này. Vâng, để gió cuốn đi…

Đã 15 năm Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, ông đã mang nỗi nhớ vào những bản tình ca. Cách nói của nghệ sĩ, như cách nói của làn mưa, của bóng mây, của dòng sông… vẫn trôi chảy, ẩn hiện, mộng mơ… đẹp một cách ma mị.

Và chỉ khi sự ma mị dẫn dụ cái đẹp và cái thiện đi vào cuộc đời, nghệ sĩ mới thực sự lớn lao trong cuộc đời này.

(Nhân 15 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò điểm trường Xuân Hòa. Ảnh: Đ. Đức

Hành trình chông gai đến 'mùa vàng' tri thức

GD&TĐ - Nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, ngành Giáo dục Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực, vươn lên trở thành “điểm sáng” của Bắc Trung Bộ...