Từ đó trở đi, các triều đại kế tiếp nhau cho đào đắp và gia cố thêm tạo nên một hệ thống đê điều hoàn chỉnh dọc theo hai bờ sông Hồng và các chi lưu thuộc đồng bằng rộng lớn Bắc bộ.
Như vậy là hệ thống đê sông Hồng đã có một bề dày lịch sử trên một ngàn năm nay. Hệ thống đê không chỉ bảo vệ mùa màng mà đằng sau nó là sinh mạng, cuộc sống vật chất và văn hóa của cộng đồng dân cư trên địa bàn trọng yếu của dân tộc.
Trong thế kỷ XIX sang những thập niên đầu của thế kỷ XX, nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về việc tiếp tục đắp đê, thu hút rất nhiều ý kiến của các quan chức và sĩ phu cả nước.
Các kỹ sư người Pháp, hồi đầu thế kỷ XX cũng đã từng có những dự án táo bạo để thoát lũ sông Hồng mà không cần phải nâng cao thêm đê, nhưng đều không thể thực hiện được.
Người ta vẫn phải tiếp tục gia cố nâng cao đê ở cao trình chống lũ cao nhất (nhất là ở Hà Nội) và kết hợp hệ thống thoát lũ qua sông Đáy, sông Đuống và các con sông khác.
Ảnh minh họa. |
Từ khi có đê, các triều đại phong kiến Việt Nam đều có các cơ quan chuyên trách về đê và các điều luật rất cụ thể về gia cố và bảo vệ đê. Thời nhà Trần có chức Hà đê chánh phó sứ chuyên trông coi việc đào đắp và tu bổ đê.
Sang thời Lê vẫn duy trì chức quan này và đặt thêm chức khuyến nông đến tận cấp huyện bên cạnh chức quan Thừa chính và Hiến sát. Đến thời Nguyễn vì triều đình ở xa, người ta đã đặt ra chức Tổng lý và Tham lý đê chính tại Bắc thành bên cạnh quan tổng trấn. Giữ chức vụ này là hai quan hàm Thượng thư và Tham tri (tương đương chức bộ trưởng và thứ trưởng hiện nay).
Bộ Quốc triều hình luật của triều Lê ghi: Phá hoại đê làm hại nhà cửa, lúa má của dân thì xử tội đồ hay tội lưu đày và bắt bồi thường thiệt hại (điều 596).
Bộ Lê triều sự lệ quy định: "Quan lại tu bổ đê điều không chu đáo để vỡ đê, gây thiệt hại cho mùa màng thì quan Thừa ty bị tội đồ, quan phủ huyện bị tội lưu. Việc đôn đốc đắp bờ giữ nước không cẩn thận để bờ rỉ nước, ruộng khô cạn, thì quan phủ huyện và xã trưởng đều bị đánh 80 trượng...".