Để Đại học tư thục không vì lợi nhuận phát triển

GD&TĐ - Sau loạt bài Đại học không vì lợi nhuận (KVLN), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia giáo dục, cộng đồng… bày tỏ sự đồng thuận cao về tính ưu việt mà mô hình Đại học KVLN mang lại cho xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Xin chia sẻ ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường ĐH Bách khoa TPHCM) - một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực giáo dục.
Trường đại học KVLN là một loại trường tốt đẹp phục vụ lợi ích cộng đồng mà những nhà giáo dục tâm huyết Việt Nam mong ước thực hiện và phát triển.

Từ khi nhà nước cho phép xã hội hóa giáo dục đại học (ĐH), một số trường ĐH ngoài công lập có chủ trương KVLN ngay từ khi được thành lập như các trường ĐH: Thăng Long, Hùng Vương, Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, Hoa Sen, Phan Châu Trinh. Tuy nhiên từ 1992 đến 2012, Việt Nam chưa có khung pháp lý cho các trường ĐH tư thục KVLN hoạt động.

Những người sáng lập các trường này như GS Hoàng Xuân Sính, GS Ngô Gia Hy, GS Trần Phương, TS Trần Hà Nam, nhà văn Nguyên Ngọc… đều đặt mục tiêu KVLN cho trường ngay từ ban đầu.

Tuy có khác nhau đôi chút về quan điểm chủ sở hữu của trường ĐH, nhưng những nhà sáng lập các ĐH ngoài công lập KVLN này đều chú trọng mục tiêu phục vụ cộng đồng, phục vụ sinh viên của trường ĐH. Phần lớn lợi nhuận có được là để đầu tư cơ sở vật chất nhằm phát triển nhà trường.

Cần thêm hành lang pháp lý cho ĐH KVLN   

Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ đưa ra chủ trương “Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận”. Nhưng về pháp lý, Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg về quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục quy định đại học tư thục có mô hình như một công ty cổ phần, thuộc sở hữu của các nhà đầu tư.

Hệ thống pháp lý của nhà nước đã biến tất cả các đại học tư thục thành công ty cổ phần mà HĐQT hoạt động theo cơ chế đối vốn, tức là người càng có nhiều cổ phần thì càng có quyền quyết định trong các vấn đề quan trọng của nhà trường như nhân sự HĐQT, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng, Trưởng khoa…   

Ở đây có sự nhầm lẫn khi cho rằng các ĐH tư thục là thuộc lĩnh vực kinh doanh vì lợi nhuận và quyền sở hữu trường đại học tư thục được giao hoàn toàn cho các nhà đầu tư. Đại hội cổ đông có quyền lực cao nhất, bầu ra HĐQT, quyết định chiến lược hoạt động và nhân sự chủ chốt của nhà trường.

Phần lớn cổ đông là người vì lợi nhuận nên họ đẩy nhà trường hoạt động theo hướng vì lợi nhuận. Các trường đại học tư thục KVLN bị mắc kẹt trong hành lang pháp lý chỉ dành cho các trường đại học tư thục vì lợi nhuận.

Khái niệm ĐH tư thục KVLN đến tận năm 2012 mới được nhắc lại, khi Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua, khẳng định sự phân định giữa ĐH tư thục vì lợi nhuận và ĐH tư thục KVLN.

Gần đây nhất, Điều lệ các trường ĐH ban hành kèm Quyết định 70/2014 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn hồ sơ và thủ tục để công nhận trường ĐH tư thục KVLN: trường ĐH tư thục muốn chuyển sang mô hình KVLN phải thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại Điều lệ, trong đó phải có sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn.

Đây là rào cản lớn, bất khả thi và bất hợp lý đối với các trường tư thục vốn chủ trương KVLN này, khi lợi ích kinh tế của các cổ đông đã đầu tư góp vốn dần dần chi phối cách điều hành hoạt động giáo dục của các trường đại học tư thục theo hướng hoàn toàn vì lợi nhuận. Bất ổn nội bộ của một số trường tư thục cũng bắt đầu từ đây, trong đó Hoa Sen là trường hợp điển hình nhất về sự tranh chấp giữa hai nhóm vì lợi nhuận và KVLN.

Nhầm lẫn về pháp lý ở đây là tất cả các trường ĐH tư thục đều bị cho là vì lợi nhuận hết, mặc dù có một số trường ĐH ngoài công lập đã khẳng định chủ trương KVLN của mình ngay từ khi mới thành lập, cho nên nay các trường ĐH này cũng phải làm thủ tục chuyển sang loại KVLN.

Trong buổi gặp gỡ CB- GV-NV Trường ĐH Hoa Sen diễn ra ngày 9/9/2016, đông đảo mọi người có mặt tại hội trường đều giơ tay biểu quyết thể hiện cam kết giữ vững giá trị Hoa Sen KVLN
Trong buổi gặp gỡ CB- GV-NV Trường ĐH Hoa Sen diễn ra ngày 9/9/2016, đông đảo mọi người có mặt tại hội trường đều giơ tay biểu quyết thể hiện cam kết giữ vững giá trị Hoa Sen KVLN 

Sự hỗ trợ của nhà nước là cần thiết

Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra chủ trương “Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận”.
Thông báo kết luận của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM ngày 27/5/2016 có khẳng định: “Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố luôn ủng hộ, đồng tình Trường ĐH Hoa Sen về định hướng hoạt động theo loại hình trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”.

Để cho chủ trương “Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận” và sự ủng hộ “Trường Đại học Hoa Sen về định hướng hoạt động theo loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận” trở thành hiện thực chứ không phải là lời nói suông thì vai trò nhà nước cần được sử dụng.

Thông báo kết luận của đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM ngày 27/5/2016 cũng nêu: “Việc quyết định Trường hoạt động theo loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận hay không là thẩm quyền của Đại hội cổ đông Đại học Hoa Sen theo đúng quy định của pháp luật”.

Đại hội đồng cổ đông thành lập Trường ĐH Hoa Sen ngày 03/2/2007, với sự tham dự của 100% số cổ phần có quyền biểu quyết đã thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động. Riêng phần quy định về cơ hết hoạt động KVLN đã được 96% số cổ phần có quyền biểu quyết có mặt tại Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Như thế yêu cầu “phải có sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn” trong thủ tục quy định tại Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã được đáp ứng ngay từ lúc ban đầu thành lập Trường ĐH Hoa Sen.

Bằng cách công nhận “sự đồng ý của 96% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn” của Trường ĐH Hoa Sen, nhà nước bổ sung cho việc thiếu hành lang pháp lý cho các trường ĐH KVLN từ ban đầu ngay sau khi có Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ đưa ra chủ trương “Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận”.  

Giải quyết được vấn đề này, Trường ĐH Hoa Sen hoàn toàn đủ điều kiện để được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Trường ĐH tư thục hoạt động KVLN.

Ai sẽ hưởng lợi khi có trường ĐH KVLN?

Sinh viên là những người hưởng lợi đầu tiên khi Hoa Sen trở thành trường ĐH KVLN, khi trường được hoạt động ổn định theo mục đích KVLN. Học phí của sinh viên sẽ được sử dụng nhiều hơn cho vịêc phục vụ sinh viên và phát triển nhà trường chứ không phải tạo ra lợi nhuận để trả cổ tức cao cho cổ đông.

Các nhà giáo dục tâm huyết vì mục đích phục vụ cộng đồng của trường ĐH KVLN là những người hưởng lợi tinh thần nhiều nhất khi có một môi trường ĐH tốt đẹp để cùng nhau thực hiện mong ước phát triển giáo dục khai phóng và giáo dục chuyên môn chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội.

Các nhà hảo tâm muốn tiếp tục truyền thống bất vụ lợi trong giáo dục Việt Nam cũng là những người hưởng lợi vì có Trường ĐH Hoa Sen KVLN để hiến tặng tiền của mà biết rằng sinh viên và cộng đồng là người thụ hưởng.

Những người có cổ phần mà không đồng tình với tôn chỉ KVLN cũng có thể rút vốn an toàn với một mức lợi nhuận cao hợp lý qua thương lượng để đầu tư nơi khác.

Nhà nước cũng hưởng lợi vì đã biến chủ trương “Nhà nước khuyến khích trát triển các cơ sở phi lợi nhuận” và sự ủng hộ “Trường ĐH Hoa Sen về định hướng hoạt động theo loại hình trường ĐH tư thục hoạt động KVLN” trở thành hiện thực để Việt Nam có trường ĐH KVLN và phát triển dần loại trường này.

Thêm loại trường ĐH tư thục KVLN để phát triển giáo dục nước nhà là mong muốn của nhiều người, nhiều giới. Khi Nhà nước cải thiện mạnh về hành lang pháp lý và quy chế quản lý minh bạch loại trường đại học KVLN, nhất là tổ chức HĐQT để thu hút những nhà quản lý và những nhà giáo dục tâm huyết, để trường đại học KVLN là thuộc sở hữu cộng đồng và tiếp tục phát triển qua nhiều thế hệ điều hành, phụng sự nhiều thế hệ sinh viên thì xã hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.