Với mục tiêu tham gia giải quyết, đi tìm cơ chế, thể chế minh bạch để thỏa mãn nhu cầu huy động và được quyền giám sát mọi nguồn lực đóng góp của người dân cho chất lượng giáo dục mà họ mong muốn cho con em mình, Đề án đã được thử nghiệm tại 6 trường tại Hà Nội gồm: Trường mầm non Giáp Bát, Trường mầm non Bình Minh, Trường tiểu học Giáp Bát, Trường THCS Giáp Bát, Trường THPT Trương Định và Trung tâm GDTX thuộc quận Hoàng Mai.
Cơ cấu thành phần của 6 Hội đồng giám sát cộng đồng trường học gần như nhau, mỗi Hội đồng có 12 người, gồm 3 giáo viên, 5 phụ huynh và 4 đại diện cho dân cư địa phương; riêng Trung tâm GDTX quận Hoàng Mai có 10 người, gồm 3 giáo viên, 4 phụ huynh và 3 đại diện cộng đồng địa phương.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, trong quá trình thực nghiệm, Đề án đã nhận được sự đồng tình, tích cực của lãnh đạo các nhà trường cũng như cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và đặc biệt là lãnh đạo Mặt trận tổ quốc Việt Nam các phường có trường thực nghiệm.
Tuy nhiên, do thời gian thực nghiệm quá ngắn, các Hội đồng giám sát cộng đồng trường học chưa phát huy hết vai trò, chưa thực hiện hết các nội dung của bản quy chế đã soạn thảo; cũng như chưa huy động được thêm nguồn lực cho các nhà trường.
Từ đó, dẫn đến sự đồng thuận chưa cao của lãnh đạo các trường thực nghiệm về chức năng, nhiệm vụ cũng như cần thiết thành lập Hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học.
Để Đề án có thể đi vào thực tiễn, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần có sự thống nhất chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; sự chủ động, nhiệt tình, tự nguyện của các cán bộ quản lý trường học trong việc đi tìm nguồn lực cho chất lượng giáo dục mà trường hướng tới.
Đặc biệt, cần tìm kiếm, vận động được những cá nhân thực sự tha thiết, gắn bó với sự nghiệp để sẵn sàng đưa ra các sáng kiến huy động thêm được nguồn lực cho chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường họ mong muốn, đồng thời cùng với nhà trường chịu trách nhiệm trước những hoạt động cho chất lượng giáo dục.