Để con tiến bộ bằng yêu thương

GD&TĐ - Không ít trường hợp người lớn vì bực tức mà đánh con đến thương tật, thậm chí là tử vong. Câu hỏi đặt ra, khi con bị bố hoặc mẹ đánh thì người còn lại đâu?

Dạy con không bạo lực sẽ khiến trẻ vui vẻ, hạnh phúc và dễ thành công trong cuộc sống. Ảnh: Ngọc Trang.
Dạy con không bạo lực sẽ khiến trẻ vui vẻ, hạnh phúc và dễ thành công trong cuộc sống. Ảnh: Ngọc Trang.

Phải chăng đó là sự không thống nhất trong cả quá trình nuôi dạy trẻ?

Từ bất đồng quan điểm của cha mẹ…

Một số cặp vợ chồng thường cãi vã chuyện nuôi dạy thế nào cho phù hợp. Có người cho rằng với tính cách ương ngạnh của con thì phải dùng đến roi vọt mới xong. Còn “nửa kia” lại nghĩ roi vọt chẳng giúp ích được gì, thậm chí có tác dụng ngược. Thế nên, mỗi khi có người dùng roi để dạy con, người còn lại cảm thấy bất bình và việc cãi nhau trở thành cơm bữa.

Mỗi người một quan điểm riêng và luôn cho mình là đúng sẽ chỉ khiến trẻ chịu thiệt thòi. Thậm chí, con cái có thể lệch đường ray vì không biết nghe ai. Nhiều trẻ thường bộc lộ tính cách khá ương ngạnh, khó bảo và sẽ phản ứng nếu không vừa ý.

“Một lần, chồng tôi đưa con đến nhà ông bà nội chơi. Đến nơi, cháu không chủ động chào ông bà, các bác và anh chị, ngay cả khi chồng tôi đã nhắc nhở. Trước thái độ cứng đầu của con, chồng tôi liền đánh con một trận ngay trước mặt mọi người. Con khóc nấc vì vừa đau vừa sợ hãi, vừa xấu hổ khi bị đánh trước mặt mọi người”, chị Lê Thu Hiền – cán bộ Công ty Du lịch Viettravel chia sẻ.

Cũng theo chị Hiền, chồng chị thường bao biện rằng con hư thì phải dạy, ngày nhỏ không dạy con rồi đổ đốn, càng lớn càng khó bảo. Anh nêu quan điểm, khi bố dạy con thì mẹ đừng can thiệp vào, thử xem nếu không đánh thì con có tiến bộ được không? Thậm chí, mỗi lần dạy con học, anh thường dọa “con mà không làm bài là bố đánh”…

Cán bộ Công ty Du lịch Viettravel cho rằng, dùng bạo lực để giáo dục con chẳng làm lên “cơm cháo” gì, bạo lực nhỏ sẽ sinh ra bạo lực lớn hơn. Con khó bảo đôi khi cũng một phần do bị bố đánh mắng quá nhiều. Mặc dù đã đưa ra nhiều lời khuyên, những hệ lụy từ thực tế, nhưng anh nhất định không thay đổi. Luôn cho rằng “con hư tại mẹ” nên không khí gia đình rất căng thẳng, nhất là vấn đề liên quan đến con trẻ.

“Biết là con trai bướng bỉnh, khó bảo nhưng tôi cảm thấy cách dạy con của chồng tôi đang có vấn đề. Tôi hiểu sự bất đồng trong quan điểm dạy con của vợ chồng tôi là điều không hay, không có lợi cho sự phát triển của con”, chị Hiền nói.

ThS Nguyễn Quỳnh Hoa – nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chuyên gia tư vấn tâm lý và giảng hòa hôn nhân cho biết: “Một gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, lâu ngày cũng sẽ dẫn đến bạo lực, rồi thành bi kịch.

Một đứa trẻ sống với người bố có xu hướng bạo lực, người mẹ thường xuyên quát mắng khi lớn lên sẽ có hành vi lệch lạc về thái độ sống cũng như ứng xử với người xung quanh.

Ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến khi lớn lên, luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân”.

Bà Hoa cũng cho rằng, việc không thống nhất được quan điểm dạy dỗ đôi khi khiến người “yếu thế” hơn cảm thấy bất lực dẫn đến… mặc kệ. Bởi họ bế tắc và không làm cách nào khác được, khi bản thân họ cũng không có “trọng lượng” đối với người kia. Cuối cùng, vẫn là con trẻ phải chịu thiệt thòi.

Gia đình hạnh phúc của diễn viên Lan Phương.

Gia đình hạnh phúc của diễn viên Lan Phương.

Đến những hệ lụy lên con trẻ

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội không ít vụ bạo hành trẻ em gia tăng. Đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19. Những ức chế, lo lắng về dịch bệnh, mất việc, giảm thu nhập… khiến người lớn dễ sinh cáu gắt. Không ít cha mẹ cảm thấy bí bách khi suốt ngày ở trong nhà và con trẻ dễ là đối tượng bị trút giận nhất.

Có người cho rằng, chỉ khi quát hoặc đánh con mới sợ mà làm theo, tập trung hơn. Tuy nhiên, chuyên gia lại cho rằng đó chỉ là giây phút tức thời của trẻ để cho qua chuyện. Thậm chí, những đứa trẻ này phát triển lệch lạc và tương lai cũng sẽ trở thành ông bố, bà mẹ như chúng đã chứng kiến thuở nhỏ. Điều này gây ra nguy hại lớn đối với xã hội.

Hơn nữa, cuộc sống chứng kiến bạo lực còn khiến trẻ suy giảm khả năng nhận thức, có nhiều cảm xúc tiêu cực, rối loạn tiêu hóa do chán ăn hoặc ăn quá nhiều, tâm trạng bồn chồn, lo lắng... Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thể chất cũng như tinh thần dẫn đến kết quả học tập sa sút. Nhiều em rơi vào trạng thái tự kỷ, phát triển không bình thường, diễn biến tâm lý lệch lạc hay thậm chí dẫn đến tự tử. Vì vậy, nếu dạy con học bằng bạo lực thì không thể có được kết quả như mong muốn.

Ngoài nỗi đau về thể xác thì vết thương tâm lý bên trong của trẻ vẫn còn đó, có khi là ám ảnh cả cuộc đời. Nhiều trẻ không thể quên được những la mắng, trận đòn roi hay đánh đập mà mình phải chịu đựng.

Đặc biệt, những đau khổ đó lại do chính người thân của mình gây ra. Thậm chí, dù không cố tình nhưng nhiều bậc cha mẹ đánh con vì cho rằng “yêu cho roi cho vọt”. Họ thản nhiên làm cho những đứa trẻ phải chịu tổn thương nặng nề. Có mấy đứa trẻ như thế sau này sẽ thành công và hạnh phúc? Hay những lần “lỡ tay” đó có thể khiến con chưa kịp học giỏi hơn đã phải ra đi mãi mãi?

Diễn viên Lan Phương bày tỏ quan điểm: “Có nhiều người cho rằng không được khen con, phải luôn chê bai, phê bình, đừng cho con nghĩ mình hơn mọi người, như vậy mới tốt. Con có thể sau này thành công như bố mẹ muốn nhưng tận sâu trong lòng, những tổn thương từ những lần bị cha mẹ đay nghiến, chê bai sẽ rõ mồn một.

Vẫn rất nhiều người tin vào sự nghiêm khắc, trừng phạt là cần thiết của bố mẹ với con cái. Họ đều có chính kiến và lí do riêng dựa trên trải nghiệm tuổi thơ, hay dựa vào số đông người xung quanh đang sử dụng để con tiến bộ hơn”.

Lan Phương cũng cho rằng, người lớn đánh con chỉ vì sự bất lực, không biết làm gì và dạy con như thế nào. Người có lỗi nên là cha mẹ vì không thể hiểu trẻ con đang muốn gì, đang cảm thấy gì để giúp con làm đúng và tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ