Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ,Trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của vi rút viêm gan B. Do đó, tỷ lệ lưu hành vi rút viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao từ 9,5% -13%.
Năm 2015, Việt Nam có khoảng 8,7 triệu trường hợp viêm gan vi rút B mạn tính, 23.500 trường hợp tử vong liên quan đến gan, 22.700 trường hợp ung thư gan và 31.700 trường hợp xơ gan.
Hiện có 3 đường lây truyền quan trọng của vi rút viêm gan B; đó là lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu và qua đường tình dục. Trong đó, lây truyền từ mẹ mang vi rút viêm gan B sang con là đường lây quan trọng của vi rút viêm gan B, đặc biệt là tại các nước châu Á.
Việc lây truyền viêm gan B trong quá trình chuyển dạ và khi đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Trong số những trẻ nhiễm viêm gan B do lây truyền từ mẹ sang, có tới 90% trẻ có nguy cơ chuyển thành viêm gan mạn tính.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ, trẻ em đã đưa ra khuyến cáo: Để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai đều nên làm xét nghiệm xác định vi rút viêm gan B và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết.
Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỷ lệ bảo vệ trên 90%).
Việc gây miễn dịch thụ động bằng cách tiêm Immunoglobulin cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau sinh. Gây miễn dịch chủ động bằng cách tiêm vắc xin cũng cần được thực hiện mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, các mũi sau theo lịch tiêm chủng.