Để có một Hội đồng tự quản đúng nghĩa

GD&TĐ - Lớp học là “hạt nhân” trong mô hình Trường học mới (VNEN) với cách bố trí lại để học sinh ngồi theo nhóm, phù hợp với sự tương tác giữa các bạn trong nhóm và giáo viên.

Để có một Hội đồng tự quản đúng nghĩa

Khác với trước đây, ban cán sự lớp do giáo viên áp đặt và hoạt động theo các yêu cầu của giáo viên. Trong mô hình VNEN, ban cán sự lớp được đổi mới thành Hội đồng tự quản. Hội đồng tự quản được thành lập là vì học sinh, do học sinh và các em được chủ động tự quản trong các hoạt động của lớp.

Để có một Hội đồng tự quản theo đúng ý nghĩa của nó, cô Trần Thị An - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Phương (huyện Kim Sơn - Ninh Bình) – cho biết đã hướng dẫn giáo viên tổ chức học sinh xây dựng kế hoạch một cách rõ ràng. Kế hoạch bầu Hội đồng tự quản phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành.

Sau đó, tổ chức cho các em tiến hành ứng cử, bầu cử. Học sinh được quyền ứng cử, bầu cử một cách dân chủ để chọn ra một Hội đồng tự quản chỉ đạo lớp hoạt động.

Sau khi thành lập được Hội đồng tự quản, giáo viên cho học sinh tự phân công nhiệm vụ. Các thành viên trong lớp được tự do tham gia vào các ban. Học sinh có thể ghi tên mình vào mảnh giấy hoặc các hình ảnh mà các em thích rồi dán vào ban mình đăng kí. Hội đồng tự quản cũng có thể được thay đổi trong năm học.

Nếu hội đồng tự quản không làm tốt nhiệm vụ giáo viên có thể cho học sinh bầu lại. Mặt khác nếu hội đồng tự quản làm tốt, hết học kì I giáo viên cũng có thể cho bầu lại để cho nhiều học sinh có cơ hội được tập làm lãnh đạo.

Những học sinh đã làm tốt rồi giáo viên khen ngợi và động viên các em làm cố vấn cho các bạn mới được bầu vào Hội đồng tự quản mới. Như vậy, nhiều học sinh được phát huy năng lực và sở trường của mình.

Cô Trần Thị An chia sẻ: Ngay từ đầu năm học tôi đã chủ động hướng dẫn giáo viên kết hợp với cha mẹ học sinh để trang trí lớp học theo mô hình VNEN. Xung quanh lớp học được trang trí các phương tiện hỗ trợ học tập như: Góc học tập; góc cộng đồng, tủ đựng sách báo, hộp thông tin “Những điều em muốn nói”; bảng thông tin “Ngày em đến lớp”, bảng “10 bước học tập”, bảng “Nội quy lớp học”, “Hộp thư cá nhân”,… Tất cả đã tạo nên một không gian và môi trường học tập thân thiện.

Đối với Hội đồng tự quản, khi nhận được thư ở hộp thư “Điều em muốn nói” cần phải đọc để biết phản hồi từ phía các bạn để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu chung và nội quy của lớp. Nếu những việc các bạn bày tỏ mà Hội đồng tự quản không giải quyết được thì phải nhờ tới sự can thiệp của giáo viên.

Ngoài ra, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trang trí “Góc sinh nhật” để tạo sự vui tươi trong lớp học, giúp học sinh biết cách quan tâm đến bạn, biết cách tổ chức những buổi lễ nho nhỏ. Giáo viên cùng học sinh dùng giấy A0 để vẽ cây hoa có 12 bông hoa, mỗi bông hoa là một tháng trong năm. Trên các bông hoa ghi tên những bông hoa, mỗi bông hoa là một tháng trong năm. Trên các bông hoa ghi tên những sinh nhật của bạn nào để tổ chức sinh nhật cho bạn.

Việc tổ chức không cần cầu kì. Học sinh có thể tổ chức một chương trình văn nghệ, trò chơi…và nói những lời chúc mừng bạn. Chính những hoạt động này đã góp phần giúp học sinh phát huy tốt hơn năng lực tự quản của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ