(GD&TĐ) - Trong chuyến công tác cuối tháng 5 về huyện Tuần Giáo, chúng tôi nghe câu chuyện về cái chết thương tâm của em Cà Văn Hằng, bản Sáng, học sinh lớp 7 của Trường THCS Quài Cang. Em Hằng thiệt mạng vì trèo lên cột điện. Cái chết không đáng có của em Hằng thêm một lần gióng lên cảnh báo về tai nạn, thương tích cho trẻ em trong dịp hè.
Hai anh em Giàng A Dua đang vật lộn trên thửa ruộng nhà mình |
Trên lộ trình, từ T.P Điện Biên Phủ về huyện Tuần Giáo, chúng tôi chứng kiến học sinh ở Trường Tiểu học Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo túm tụm chơi những trò chơi nguy hiểm như trèo lên những cột điện cao thế mà ở ngay dưới đã có khuyến cáo “cấm trèo nguy hiểm chết người” hay dầm mình trong bùn trên những thửa ruộng, rồi nhảy ào xuống dòng suối lặn ngụp.
Trên đường vào xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo chúng tôi dừng chân bên mảnh nương đang cày dở trong cái nắng oi ả, những cơn gió Lào bỏng rát phả vào mặt. Hai anh em Giàng A Dua năm nay mới có 14 tuổi, còn cậu em Giàng A Dinh 13 tuổi cùng là học sinh của Trường THCS Mường Mùn mồ hôi đang túa ra, đôi tay non nớt cố nắn đường cày xiêu vẹo. Khi tôi hỏi, Dua gạt dòng mồ hôi như tắm trên khuôn mặt sạm đen trả lời: “Trẻ con người Mông 2 - 3 tuổi đã phải theo bố mẹ đi làm rồi, cứ thế rồi thành quen thôi chẳng bao giờ được chơi vì công việc nhiều, phải giúp đỡ bố mẹ”. Dua đã học đi cày từ năm mười tuổi và giờ đây công việc ấy được giao cho 2 anh em, còn bố mẹ làm việc khác. Khi tôi kể về các hoạt động vui chơi trong dịp nghỉ hè của các em học sinh ở miền xuôi. Dua và Dinh mắt tròn xoe, vẻ ngạc nhiên pha nỗi tiếc nuối. Với Dua, sau 8 năm đi học chỉ đến trường em mới được học và chơi còn về đến nhà bỏ cặp ra là phải làm việc. Ngày bé thì đi chăn trâu bò, lấy cỏ, còn giờ thì đủ thứ việc. Dua nói với chúng tôi: Các bạn học sinh ở đây ai cũng vậy thôi! Chưa bao giờ định hình được mùa hè là như thế nào? Chẳng bao giờ dám ước mơ như các bạn miền xuôi.
Trò chơi của học sinh Trường tiểu học Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo |
Trao đổi với thầy Vũ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo về công tác dạy- học, lồng ghép chương trình giảm thiểu tai nạn, biện pháp phòng chống thường xảy ra vào mùa hè, khi các em có nhiều thời gian nên thường hay chơi trò nguy hiểm. Về công tác phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội, tư vấn cho phụ huynh học sinh để các em được nghỉ ngơi, làm việc phù hợp với lứa tuổi, thầy Dũng cho biết: Nhà trường chú trọng vào giáo dục cho học sinh thông qua rất nhiều bộ môn học theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, như: Hoạt động ngoài giờ lên lớp, môn học Sinh học, Giáo dục công dân các em được thực hành thường xuyên, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, cho các em thấy trò chơi nguy hiểm, gây ảnh hưởng sức khỏe có thể bị mắc bệnh tật.
Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền để phòng tránh nguy hiểm đe dọa, rình rập các em trong những ngày hè như: tắm suối vào mùa mưa lũ, thực hiện an toàn về điện, không leo trèo… tổ chức cho các em nhiều trò chơi bổ ích, lành mạnh. Trường kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng nhà để cho các em có được những ngày hè bổ ích, không để các em làm việc quá sức, nhưng trên thực tế hiệu quả của những việc làm này rất thấp. Bởi khi nghỉ hè, nhà trường bàn giao học sinh về xã. Mặc dù Trường có tham mưu định hướng các ban ngành đoàn thể quản lý tổ chức cho các em những hoạt động trong hè nhưng thực chất chỉ trên giấy tờ, vì xã chẳng biết tổ chức như thế nào. Sân chơi, trò chơi, cách thức tổ chức là trở ngại rất lớn. Thêm vào đó, gia đình các em phần lớn hoàn cảnh khó khăn, nên không thể quan tâm đến con hoặc đã quen với việc thả lỏng để các em tự do, hay phải làm việc giúp gia đình.
Các em có được những ngày hè lý thú, bổ ích rất cần sự nhận thức sâu sắc của gia đình, chung tay góp sức của toàn xã hội, dành cho thế hệ tương lai những gì tốt đẹp nhất.
Phạm Kiên Cường