Câu khen này đối với nhiều người trong thời kỳ còn bao cấp, thiếu ăn và thiếu dinh dưỡng thì rất phấn khởi nhưng đến nay nếu khen “mập ra” thì không phải ai cũng mừng, đặc biệt đối với người thừa cân và béo phì.
Cần lưu ý kiểm soát nghiêm ngặt cân nặng trước, trong và sau dịp Tết là rất quan trọng vì sau những ngày Tết nhiều người lại tăng cân vù vù và tỷ lệ người mắc bệnh bị tái phát do liên quan đến thừa cân, béo phì thường nhiều hơn.
Điều trước tiên phải nói đến là nhu cầu năng lượng trong dịp lễ Tết: thường nhu cầu năng lượng của mọi người giảm hơn do thời gian nghỉ ngơi và ngủ nhiều, đồng thời hoạt động thể lực giảm.
Trong khi trước Tết, người bị thừa cân và béo phì hàng ngày đang thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem, tăng cường hoạt động thể lực thì những ngày Tết họ thường vui vẻ, gặp nhiều bạn bè nên có thói quen ăn uống phóng khoáng và hoạt động thể lực giảm dẫn tới việc nhanh chóng tăng cân.
Với người có nguy cơ thừa cân và béo phì cần lưu ý: mỗi miếng bánh chưng có khoảng 150-250 kcalo, nếu ăn từ 2 - 3 miếng bánh mỗi ngày thì năng lượng khẩu phần của bạn đã tăng lên đáng kể, chưa tính đến các loại thực phẩm khác như bánh kẹo và đồ uống công nghiệp.
Chế độ ăn uống nhiều thịt cá (tăng đạm nguồn gốc động vật), ăn không điều độ, ăn không đúng bữa và số bữa ăn cũng nhiều hơn.
Chế độ ăn này rất nguy hại đối với người bị bệnh gút, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Người thừa cân béo phì không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm.
Nên ăn thịt vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành), khuyến khích ăn cá và đậu phụ.
Cần hết sức coi trọng vai trò của rau quả trong chế độ ăn hàng ngày, người thừa cân và béo phì cần tăng cường ăn rau quả, giảm lượng đường bột. Nên sử dụng đủ rau, quả hàng ngày với lượng trên 400g/ngày.
Vai trò của rau và quả chín cung cấp nguồn các vitamin, chất khoáng và chất xơ đã được khẳng định. Đồng thời, các chất sinh học quan trọng khác của rau quả, đó là các carotenoid, bioflavonoid có vai trò là các chất chống ôxy hóa và phòng ngừa nhiều loại ung thư.
Trong những ngày lễ Tết, bên cạnh khẩu phần ăn nhiều đạm động vật thì việc sử dụng quá nhiều bánh mứt kẹo, nước ngọt có ga, các loại nước ngọt khác cũng làm tăng năng lượng khẩu phần với người thừa cân và béo phì, vì vậy không nên sử dụng hoặc hạn chế sử dụng các loại sản phẩm này.
Đặc biệt, khi mứt và bánh kẹo trên thị trường không đảm bảo an toàn thực phẩm, cùng với ăn uống không điều độ khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Uống rượu, bia nhiều trong những ngày Tết không những ảnh hưởng xấu đến an toàn của bản thân khi tham gia giao thông mà còn có nguy cơ cao đối với những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì.
Không lạm dụng rượu bia, hạn chế rượu bia, đặc biệt đối với người thừa cân và béo phì. Nên uống nước chè xanh, vì chè là một thức uống rất có giá trị, nó cung cấp nhiều loại flavonoid chống ôxy hóa, fluor và nhiều vitamin.
Để Tết và lễ hội thực sự có ý nghĩa cả về thể chất và tinh thần được cải thiện thì mỗi chúng ta cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý, đặc biệt cần kiểm soát cân nặng hàng ngày với người thừa cân và béo phì thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý phối hợp với nếp sống lành mạnh, năng động, hoạt động thể lực đều đặn, vừa sức.
Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý với người thừa cân béo phì là: khuyến khích một tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật và thực vật. Tổng số năng lượng do chất béo khoảng từ 18-22% năng lượng, trong đó các acid béo không no cung cấp không quá 10% năng lượng.
Tránh dùng thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, bơ, fomat, não, nội tạng động vật, các món xào rán... Năng lượng do chất đạm đáp ứng từ 15-25% năng lượng của khẩu phần ăn.
Nhóm bột đường nên sử dụng bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Đảm bảo đủ vitamin và muối khoáng từ rau quả chín khoảng 400g/ngày.
Xây dựng thói quen giảm ăn mặn, ăn uống điều độ đúng theo nhu cầu. Không ăn bánh, kẹo và uống nước ngọt, không lạm dụng rượu, bia.