Biến chứng kinh hoàng khi không kiểm soát được đường huyết
Dân số nước ta trẻ nhưng tỉ lệ người uống rượu bia cao, lối sống sinh hoạt không điều độ nên khả năng mắc bệnh tiểu đường đối với người thừa cân, béo phì, ít vận động…là rất cao.
Khi bị tiểu đường, nguy hiểm nhất là chuyển sang biến chứng. Rất nhiều biến chứng có thể xảy ra khi bị đái tháo đường gây hậu quả kinh hoàng đã từng đoạt mạng sống của rất nhiều bệnh nhân. Bác sĩ điều trị Phạm Mạnh Hùng - Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết, có thể phát hiện tổn thương mô ở nhiều hệ thống các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân bị tiểu đường nhưng thận, mắt, thần kinh ngoại biên và mạch máu là những nơi xảy ra tổn thương nhiều nhất.
Khi mạch máu bị tổn thương đối với mạch máu nhỏ như mắt, võng mạc bệnh nhân có thể giảm thị lực, mù lòa. Nếu tổn thương ở mạch máu lớn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, tắc mạch não, tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch gây bại liệt hoặc tử vong. Nếu tắc mạch chi dưới dẫn đến thối nát, hoại tử bàn chân dẫn đến phải cưa, tháo bỏ.
Tổn thương thần kinh cũng là biến chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất. Khi bị tổn thương thần kinh ngoại biên sẽ làm cho người bệnh giảm đi cảm giác, bị tê bì hoặc kim châm, yếu cơ. Đối với bệnh nhân nặng có thể mất đi cảm giác hoàn toàn. Bệnh nhân giẫm phải vật cứng, giẫm phải đồ nhọn, giẫm phải đồ nóng…mà không thấy cảm giác gì. Đã có những bệnh nhân bị tiểu đường biến chứng giẫm vào nước sôi 100 độ gây tróc hết thịt mà không gây cảm giác. Có bệnh nhân trẻ vì tổn thương đường huyết quá cao, giẫm vào đinh nhiễm trùng thối hết thịt khi vào viện thì đã rụng cả xương bàn chân.
Nếu tổn thương mạch máu nhỏ ở võng mạc mắt sẽ gây ra nghẽn, vỡ trong lòng mắt gây bệnh lý về võng mạc, gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp gây mờ mắt và mù lòa...
Nếu hàm lượng đường trong máu luôn cao gây tổn thương vi mạch tại thận dẫn đến suy giảm các chức năng lọc, bài tiết và dẫn đến suy thận…
Ngoài biến chứng mạn tính thì biến chứng cấp tính xảy ra đột ngột do dùng quá liều thuốc hạ đường huyết trong quá trình điều trị, ăn uống quá kiêng khem và vận động quá sức khiến bệnh nhân trong thời gian rất ngắn có thể hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
|
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu
Biến chứng của tiểu đường thực sự rất nguy hiểm khiến người bệnh lo âu, buồn chán, buông xuôi hoặc tìm đến những phương pháp điều trị không khoa học hoặc bỏ dở liệu trình điều trị giữa chừng khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng. Theo bác sĩ Hùng khuyến cáo bệnh nhân bị tiểu đường có thể ngăn chặn bệnh biến chứng bằng cách đi khám định kỳ theo dõi, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên để kiểm soát đường huyết ở ngưỡng an toàn nhất.
Người bị bệnh tiểu đường thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu tại cơ sở y tế và dụng cụ đo đường huyết tại nhà và uống thuốc, tiêm theo đúng phác đồ điều trị mới chỉ đạt được 50% yêu cầu. Phần còn lại để kiểm soát bệnh thành công và ngăn ngừa biến chứng bệnh còn phụ thuộc vào sự hiểu biết và nghị lực của người bệnh trong việc thay đổi lối sống sinh hoạt điều độ. Thời gian làm việc, nghỉ ngơi cần được bố trí hợp lý. Luyện tập thể dục đều đặn kết hợp với bữa ăn phù hợp về dinh dưỡng cho người bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát đường huyết của mình.
Lời khuyên cho bệnh nhân tiểu đường trong quá trình kiểm soát đường huyết
- Điều trị và sử dụng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ
- Thực hiện tất cả các xét nghiệm tầm soát.
- Tập thể dục đều đặn.
- Giữ cân nặng hợp lý và thực hiện chế độ ăn dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị tiểu đường.
- Cai thuốc lá.
- Chăm sóc cảm xúc của người bệnh.
- Lập kế hoạch hành động.
Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng - Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương