Đề án Bệnh viện vệ tinh: Nhiều rào cản khi triển khai

GD&TĐ - Đề án Bệnh viện vệ tinh hướng tới việc giúp người dân được khám, điều trị bằng các kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, để được như kỳ vọng, ngành Y tế phải đầu tư thêm trang thiết bị, tăng cường chuyển giao công nghệ và bồi dưỡng nhân lực một cách đồng bộ.

Đề án Bệnh viện vệ tinh: Nhiều rào cản khi triển khai

Những ưu việt

Mục tiêu đặt ra trong Đề án là các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện chuyển tuyến, công nghệ thông tin để bảo đảm việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật có hiệu quả và duy trì bền vững. Sau 5 năm thực hiện, Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2018 đã xây dựng và hình thành được 23 bệnh viện hạt nhân, cùng 138 bệnh viện vệ tinh.10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển gồm: Ung bướu, tim mạch, sản nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Nhờ việc triển khai Đề án này mà các bệnh viện tuyến trên đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM đã giảm số lượng người đến khám và điều trị. Chẳng hạn, trước đây, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện K… luôn trong tình trạng có tới 4 - 5 bệnh nhân/giường bệnh, thì nay đã giảm đáng kể. Tình trạng nằm ghép chỉ còn tại một số khoa đông bệnh nhân ở một số bệnh viện lớn như: Bạch Mai (Hà Nội), Chợ Rẫy, Ung bướu (TPHCM)…

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Đề án là “đòn bẩy”, từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương, nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Bệnh viện lớn như Hữu nghị Việt Đức chuyển giao kỹ thuật khó cho các bệnh viện vệ tinh thuộc vùng Tây - Đông Bắc của các tỉnh như Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang… đã mang đến những hiệu quả cao trong khám chữa bệnh cho người dân vùng dân tộc thiểu số.

Trước đây, với kỹ thuật phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi, mổ máu tụ trong não, đa phần bệnh viện tuyến dưới chưa thực hiện được và phải chuyển tuyến. Do không được xử lý kịp thời và mất thời gian chuyển nên không ít bệnh nhân đã bị cắt chi. Nhưng sau khi được chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã đầu tư trang thiết bị, giúp cho việc triển khai các kỹ thuật này thuần thục hơn, tỷ lệ thành công cao hơn, nhờ đó số lượng bệnh nhân phải cắt chi đã giảm.

“Những kết quả của Đề án Bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM. Thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện; củng cố lòng tin của người dân, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh; đồng thời giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, giảm quá tải tại Bệnh viện hạt nhân ở tuyến Trung ương” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã chia sẻ.

Thiếu nhân lực, hạn chế trong chuyển giao kỹ thuật

Để thực hiện được các mục tiêu của Đề án, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại. Cụ thể: Nhu cầu phát triển của các bệnh viện ở địa phương lớn, nhưng kinh phí có hạn; Các bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật vất vả, hạn chế về nhân lực, cơ chế BHYT khó thanh toán các kỹ thuật mới; bệnh viện vệ tinh khó giữ bác sĩ ở lại địa phương sau khi được chuyển giao kỹ thuật…

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, quá trình thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh vẫn còn nhiều khó khăn: Nhân lực các khoa phòng tại Bệnh viện T.Ư Huế còn thiếu. Các bác sĩ vừa khám chữa bệnh tại 3 cơ sở điều trị của bệnh viện, vừa phải tham gia các hoạt động đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Nhiều bệnh viện vệ tinh thường xuyên trong tình trạng thiếu nhân lực, nên đã gây không ít khó khăn trong quá trình cử người đến các bệnh viện hạt nhân tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao. Nhiều khóa đào tạo không thực hiện được theo kế hoạch do không đủ số lượng học viên đăng ký. Cơ sở vật chất, máy móc hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc chuyển giao chưa đầy đủ, chưa đạt yêu cầu.

Tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị không theo kịp với nhu cầu phát triển chuyên môn của bệnh viện. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh sau giai đoạn đào tạo tập trung còn chậm. Một số bệnh viện vệ tinh không tập trung được bệnh nhân, hoặc không bổ sung kịp trang thiết bị như dự kiến nên không triển khai được kỹ thuật.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cũng chỉ ra những tồn tại: Đa số các bệnh viện vệ tinh chưa có máy xạ trị nên việc đào tạo trị xạ phải lồng ghép với các bệnh viện đã có máy. Cán bộ cử đi học ít, tham gia học về trị xạ nhưng sau khi học xong không được thực hành ngay, hoặc bị bố trí làm công việc khác. Trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị ung bướu tại các bệnh viện vệ tinh không đồng bộ và thiếu.

Các bệnh viện không đủ cán bộ tham gia các khóa học đào tạo cùng một thời điểm. Đa số cán bộ được cử đi đào tạo để tiếp cận kỹ thuật thường mới ra trường, chưa có chuyên môn sâu về ung bướu, trình độ các học viên không đồng đều nên gây khó khăn trong đào tạo.

Giám đốc Bệnh viện K cũng đưa ra kiến nghị: Đối với người đi học cần xác định làm gì sau khi học xong, cử người đi học cần đúng chuyên ngành, tập trung chuyên sâu, tránh dàn trải và học chồng chéo nhiều chuyên đề. Các bệnh viện thuộc dự án phải chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất phù hợp để duy trì và phát triển các kỹ thuật được tiếp nhận một cách bền vững.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Trong quá trình đào tạo học viên cho các bệnh viện tuyến dưới, số lượng cũng thay đổi so với đăng ký ban đầu. Các chuyên khoa của Bệnh viện Bạch Mai luôn quá tải trong khám chữa bệnh, đội ngũ bác sĩ, nhân viên phải làm việc với cường độ cao. Số lượng bệnh viện vệ tinh đông (tính đến năm 2018 là 26 bệnh viện), các bệnh viện vệ tinh không đồng đều về năng lực và nhân lực.

Do các bệnh viện này chưa chuyên biệt hóa các chuyên ngành vệ tinh (Huyết học, Nội tiết, Thần kinh…), nên khó khăn về nhân lực trong tiếp nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… Bên cạnh đó cùng trong một thời điểm, các bệnh viện triển khai nhiều dự án nên gặp khó khăn về nguồn nhân lực, không cử đủ cán bộ đi học, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng đủ…

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện tuyến cuối như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương,  K Trung ương... cần xây dựng các trung tâm đào tạo ngang tầm quốc tế.
Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở làm bệnh viện vệ tinh phải được đào tạo, có trang thiết bị, có phòng ốc, phải thực hiện được kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao. Bệnh viện tuyến trên (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) sau khi chuyển giao kỹ thuật không nhận bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật đó nữa, dành thời gian để thực hiện kỹ thuật cao, nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.