ĐBSCL: Vựa lúa “héo” vì… mặn

ĐBSCL: Vựa lúa “héo” vì… mặn

Lúa héo vì hạn mặn, dân đứng ngồi không yên

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay được đánh giá là bất thường. Nước mặn tràn vào vùng ngọt sớm và nặng hơn hơn so với quy luật tự nhiên. Trước tình trạng xâm nhập mặn diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã ban bố tình huống khẩn cấp.

Các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đã có hàng ngàn ha lúa, cây trồng bị ảnh hưởng. Hàng ngàn hộ dân gặp khó khăn vì thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu vào ĐBSCL đúng thời kỳ triều cường, đặc biệt là trong và sau Tết Nguyên đán. Tại vùng ven biển ÐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao ngay từ tháng 1 - 2/2020.

“Từ đầu năm 2020, ở ĐBSCL có mùa khô hạn khá nặng nề. Thực tế cho thấy, tháng 11 - 12/2019, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, diễn ra sớm hơn 1,5 - 2 tháng so với bình thường. Độ mặn có thể lên đến 4‰, xâm nhập vào sâu 70km.

Xâm nhập mặn sẽ diễn ra từ tháng 1 - 3/2020. Trong đó cao điểm vào tháng 3 và dự báo gây ảnh hưởng nặng nề hơn so với năm 2016”, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cảnh báo.

Lo lắng nhất là hàng ngàn ha lúa vụ Đông Xuân đang vào giai đoạn trổ bông, kết hạt nhưng bị ảnh hưởng nặng nề do xâm nhập mặn. Tại Trà Vinh, các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần hiện có hơn 3.500 ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn. Tỉnh Cà Mau cũng có hơn 16.000 ha lúa bị thiệt hại, nhiều ha lúa bị mất trắng. Nhiều người dân đang đứng ngồi không yên khi lúa bị khô héo vì hạn, mặn.

Túc trực bên chiếc máy bơm, anh Phạm Văn Út, ở huyện Càng Long (Trà Vinh) buồn bã cho biết: “Lúa đang trổ bông thì gặp ngay đợt hạn, mặn nên giờ đây xem như thiệt hại hoàn toàn, lúa khô héo và hạt lép. Ngồi xem ruộng lúa xơ xác bà con ai cũng buồn. Mong bơm nước lên để cứu nhưng tình hình không mấy khả quan vì nước mặn gặp nắng hạn sẽ càng thiệt hại hơn”.

Tại Bến Tre, xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm cho hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã điều 2 chuyến tàu vận chuyển nước ngọt với khối lượng khoảng 500m3 từ TPHCM đến cung cấp cho người dân theo yêu cầu giúp đỡ của tỉnh…

Tổng hợp báo cáo ban đầu của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, có khoảng 82.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau…

Trận hạn, mặn trăm năm có một?

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL chủ yếu các yếu tố như biến đổi khi hậu, biểu hiện rõ nhất là nước biển dâng. Tác động của thượng nguồn ngày càng cực đoan hơn do việc phát triển kinh tế, sử dụng nguồn nước không khoa học. Mưa thượng nguồn giảm mạnh dẫn đến giảm lưu lượng dòng chảy sông Mekong.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đã cảnh báo, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 tại ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất tập trung trong tháng 2 - 3/2020.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập thượng nguồn) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015 - 2016 (mùa khô năm 2015 - 2016 được xem là đợt hạn, mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua).

Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn năm nay cao hơn và sâu hơn. Đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương và hàng triệu ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng ĐBSCL. Ngành chức năng khuyến cáo tiết kiệm nước tưới, nước sinh hoạt. Thường xuyên cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng để có hướng ứng phó.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Nguyên chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cảnh báo: “Các địa phương ở ĐBSCL cần chủ động bảo vệ nguồn nước. Cần trữ nước ngọt cho mùa khô với các công trình lớn. Bà con nông dân cần theo dõi dự báo của cơ quan chức năng, có phương án ứng phó với tình trạng hạn, mặn. Có thể sản xuất những loại cây, con cần ít nước. Tưới tiêu khoa học, phù hợp để sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất”.

Để ứng phó, các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng đã tiến hành khép kín hệ thống một số tuyến kênh, rạch để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nhà máy cấp nước, phục vụ sinh hoạt người dân. Tại tỉnh Bến Tre, có giải pháp đắp đập, bơm chuyền lấy nước từ thượng nguồn để cung cấp cho nhà máy nước Ba Lai.

Đối với vùng sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân bỏ vụ, kiên quyết không xuống giống. Vùng cây trái nhạy cảm với nước mặn (sầu riêng, xoài, chôm chôm…) thì khuyến cáo người dân trữ nước mưa, nước ngọt, trên sông rạch khép kín lại để có nước tưới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ