ĐBSCL trở thành vùng năng động sáng tạo

ĐBSCL trở thành vùng năng động sáng tạo

(GD&TĐ) - Hôm nay 8/3, tại thành phố Cà Mau, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2010, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 cho các tỉnh Tây Nam bộ (tức ĐBSCL).

Phó
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị

Báo cáo tại HN, năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế  khu vực ĐBSCL đạt 12,2%, tăng gần gấp 2 lần của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng, tuy còn thấp hơn cả nước nhưng đã tăng 14% so với năm trước,  đánh dấu bước phát triển mới của khu vực trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Đồng bằng vẫn là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước, từ đó kim ngạch xuất khẩu  đạt 6,83 tỉ USD, tăng 17,22% so với năm trước.

Đầu tư vào khu vực có cải thiện, điển hình: Long An tăng 31,7%, Tiền Giang tăng 24,1%, Kiên Giang tăng 18,8%, Cần Thơ tăng 16,6%...

Công tác giáo dục - đào tạo trong năm qua được đầu tư nâng cao chất lượng. Năm 2010, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân toàn vùng đạt 81,55%. Một số địa phương đạt tỉ lệ cao như: Cà Mau 90%, Hậu Giang 88,6%, Cần Thơ 86%...Tuy nhiên, học sinh bỏ học còn chiếm tỉ lệ khá cao 2%, so với cả nước 0,96%. Những nơi có tỉ lệ học sinh bỏ học cao: Cà Mau 3,95%, Kiên Giang 3,17%, Bạc Liêu 2,685, Trà Vinh 2,6%

Trong năm 2011, ĐBSCL phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng từ 12-13%; thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 160.000 tỉ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước 26.000 tỉ đồng; tổng chi ngân sách 43.000 tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất khầu trên 7,5 tỉ USD; giảm tỉ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới) trên dưới 2%/năm.

Tại HN, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận báo báo đánh giá sự phát triển giáo dục khu vực trong năm 2010, tờ trình chính phủ và dự thảo Quyết định mới của Chính phủ về chiến lược giáo dục ĐBSCL trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2020 thay Quyết định 20/CP trước đây đã hết hiệu lực. 

Theo Bộ trưởng, trong năm qua ngành GDĐT khu vực đã có bước chuyển biến tích cực: sự nhận thức của hệ thống chính trị, nhân dân về giáo dục nâng lên; mạng lưới trường lớp phủ kín xã, ấp; qui mô trường lớp từ Mầm non đến PTTH đều tăng, nhiều tỉnh đã phổ cập THCS; chất lượng GD được cải thiện: tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, tỉ lệ học sinh đầu vào các trường ĐH, CĐ đều tăng. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tăng về lượng và chất, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn rất cao. Ngân sách trung ương, địa phương đều dồn sức đầu tư cho trường lớp, xóa ca ba, xóa tranh tre lá, hiện tại 85% trường học được kiến cố hóa. Trường chuẩn quốc gia tăng 2,4 lần so với 5 năm trước. Một số trường tư thục đã đầu tư tốt góp phần xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu mà quyết định 20/CP đưa ra vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt: tỉ lệ huy động học sinh đến lớp; 215 xã chưa có trường Mẫu giáo, 21 xã chưa có trường tiểu học. Chất lượng, số lượng GD có tăng nhưng chưa đạt mặt bằng chung cả nước. Đầu tư cho GD có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, chẳng hạn như ĐH Cần Thơ, ĐH Trà Vinh chưa đầu tư tương xứng. Công tác xã hội hóa GD còn thấp.

Bộ trưởng cũng đã trình bày sơ thảo chiến lược giáo dục ĐBSCL trong 5 năm tới. Mục tiêu phát triển GDĐT đột phá để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho khu vực và cả nước. Giải pháp hoàn thiện hệ thống trường học: đủ phòng chức năng, sân chơi, tiến tới kiên cố hóa, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nâng trường THPT chuyên thành nguồn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các TT Giáo dục Thường xuyên cấp tỉnh có đủ phương tiện, thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường Trung cấp chuyên nghiệp, đầu tư mạnh cho các tỉnh có nhu cầu. phấn đấu có thêm từ 10-12 trường trung cấp, cao đẳng nghề. Đối với hệ ĐH, đầu tư thiết bị dạy học đồng bộ. Rà soát lại qui hoạch ĐH, tăng thêm 10-12 trường. Hiện tại có 11 trường CĐ có nhu cầu nâng cấp lên ĐH. Các tỉnh chú ý đầu tư nhà ở cho giáo viên và ký túc xá sinh viên, ít nhất 85% sinh viên có chỗ trọ để học. Mở một số khoa ngôn ngữ dân tộc một số trường ĐH. Thành lập khoa sư phạm nghề ở một số trường kỹ thuật để đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề. Mạnh dạn đổi mới chương trình dạy nghề đáp ứng thế mạnh của đồng bằng. Phấn đấu đến 2015, ngân sách chi cho GD đạt 20%. Có chính sách cho học sinh dân tộc học nghề...

Báo cáo của Bộ Lao động và TBXH, đồng bằng hiện có 334 cơ sở dạy nghề, tăng gấp đôi so với năm 2005. Nhưng lao động qua đào tạo chỉ đạt 22%, Làm sao 5 năm tới phải đạt 40% lao động qua đào tạo.

Kết luận HN,  Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, thành tựu kinh tế xã hội năm qua đáng phấn khởi. Vùng ĐBSCL trở thành vùng năng động sáng tạo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tổ chức thành công bầu cử HĐND các cấp, Quốc hội dân chủ, an toàn, tiết kiệm, là ngày hội toàn dân.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các tỉnh trong vùng cần tập trung các giải pháp hoàn thành tốc độ tăng trưởng theo đúng kế hoạch đặt ra 12-13%; thực hiện nghiêm túc NQ 11/CP về chống lạm phát;  tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Bình ổn cho được giá cả, lãi suất, tỉ giá, giữ giá trị đồng tiền. bằng cách sản xuất nguồn hàng ổn định. Hỗ trợ mặt hàng thiết yếu. Dự trữ hàng hóa thiết yếu để dân cần là có. Lưu thông, cung ứng, phân phối hàng hóa điều hòa, không để khan hiếm giả tạo.

Chương trình nông thôn mới cần huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện. Đây là mục tiêu tổng hợp về quốc kế dân sinh. Huy động tối đa nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm.

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ