ĐBSCL: Khẩn trương ứng phó với Áp thấp nhiệt đới

GD&TĐ - Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến vào đất liền và một vùng áp thấp nhiệt đới đang ở gần Biển Đông.

ĐBSCL: Khẩn trương ứng phó với Áp thấp nhiệt đới

Bạc Liêu: Chủ động lên phương án ứng phó

Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bạc Liêu đã có công văn hỏa tốc đề nghị các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành khẩn trương triển khai ngay một số công việc để đối phó, phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc liêu đề nghị: Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động bắt đầu từ 9 giờ ngày 31/10.

Kiểm soát, thông tin thường xuyên về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết để tìm nơi trú; mở các cột đèn tín hiệu báo và bố trí người trực báo bão tại các Đồn biên phòng hoạt động 24/24 giờ để phục vụ tàu thuyền; phối hợp Ngành Nông nghiệp và địa phương hướng dẫn nơi neo đậu cho tàu thuyền; tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo các đơn vị chức năng thông tin, tuyên truyền rộng rãi về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời; vận động nông dân tích cực gia cố bờ bao, ao đầm, bơm tát nước để bảo vệ diện tích lúa Thu Đông, lúa trên đất tôm, diện tích nuôi trồng thủy sản và rau màu; chủ động chằng chống nhà cửa đề phòng lốc xoáy, dông sét.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai một số nhiệm vụ như: Triển khai nhanh các biện pháp bảo vệ sản xuất nếu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên diện rộng; mở các cống dọc Quốc Lộ 1A và các cống phân ranh mặn - ngọt; thông tin, hướng dẫn các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi về biện pháp phòng tránh áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn cách neo đậu an toàn đối với tàu thuyền đã cập bến.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bạc Liêu và các đài địa phương tiếp tục theo dõi và phát kịp thời các bản tin dự báo thời tiết; tăng cường thời lượng phát các bản tin áp thấp nhiệt đới, các thông báo của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho nhân dân được rõ để chủ động phòng chống kịp thời...

Cà Mau: Cấm biển, xem xét cho HS nghỉ học

Theo thông tin từ tỉnh Cà Mau, vào thời điểm sáng 1/11, lực lượng Bộ đôi biên phòng đã kêu gọi 1.136 phương tiện với 4.909 người vào các cửa biển trong tỉnh để tránh trú an toàn. Bên cạnh đó còn có một số phương tiện tàu thuyền trên biển đã nhận được thông tin và khẩn trương di chuyển về đất liền để neo đậu.

Để đảm bảo an toàn, tỉnh Cà Mau có thông báo cấm biển từ 18 giờ ngày hôm nay (1/11). Tỉnh Cà Mau quy định, 4 giờ một lần, các địa phương phải thông báo tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, tình hình di dời dân khỏi vùng ảnh hưởng hay không sẽ giao cho UBND các huyện tự quyết nếu thấy cần thiết. Kể cả việc cho học sinh cấp mầm non, tiểu học nghỉ học do địa phương quyết định.

Thống nhất xem xét học sinh mầm non và tiểu học ở khu vực nguy hiểm nghỉ học vào sáng 2/11. Việc này giao cho UBND cấp huyện xem xét, quyết định.

Bến Tre: Khẩn trương ứng phó

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre đã có Công điện gửi đến các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Tỉnh Bến Tre nghiêm cấm tàu ra khơi từ 7 giờ sáng ngày 1/11 đến khi có thông báo mới.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc tìm mọi biện pháp thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.

Các chủ phương tiện chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn. Yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú ven biển, trong sông; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.

Không để bị động trước các tình huống

Hiện tại, công tác chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang được các địa phương ĐBSCL thực hiện. Các địa phương, đơn vị tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam bộ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông; Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.

Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng; Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hồi 7 giờ ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7 giờ ngày 2/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ