Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai- Văn phòng Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành triển khai thực hiện việc thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được xác định tại các bản tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai- Văn phòng Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 31/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 400km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 01/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,9 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bến Tre-Cà Mau khoảng 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 105-112 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay (31/10) đến hết ngày 02/11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-150mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có nơi trên 200mm.
Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông: Hiện nay ở khu vực phía Đông miền Trung Philippin đang có một áp thấp nhiệt đới, vị trí lúc 10 giờ ngày 31/10 ở vào khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 130,5 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan khoảng 1100km về phía Đông, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km một giờ.
Cảnh báo áp thấp nhiệt đới này di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20km/h, tiếp tục mạnh lên và có khả năng đi vào Biển Đông trong ngày 2/11.