Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định: Trước diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã vận dụng tốt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong việc chủ động thay đổi phương án tổ chức kỳ thi, vừa bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, giảm áp lực, vừa hướng tới mục tiêu bất biến là bảo đảm kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và chất lượng. Đặc biệt, theo thông tin từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, dự kiến ngoài lực lượng thanh tra của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, thanh tra của tỉnh cũng sẽ tham gia để giám sát tất cả khâu, nhất là khâu in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, coi và chấm thi. Bộ GD&ĐT cũng sẽ xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi.
“Cá nhân tôi cho rằng, phương án tổ chức kỳ thi năm nay chắc chắn được sự đồng thuận cao trong ngành Giáo dục cũng như xã hội”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thực tế tại Vĩnh Long nhiều năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Nỗ lực, trách nhiệm của ngành Giáo dục cũng như phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các trường ĐH, CĐ, cơ quan, ban ngành địa phương, Kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ năm 2015 được gọi là Kỳ thi THPT quốc gia) được tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, tạo niềm tin với nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2016, cụm thi được tổ chức tại địa phương. Toàn bộ khâu của kỳ thi từ công tác chuẩn bị trước kỳ thi; coi thi, chấm thi được Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia của tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc và đúng quy trình.
“Thời gian qua, cùng với cả nước tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng, bộ, ngành Trung ương. Đối với lĩnh vực Giáo dục, UBND thường xuyên chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục địa phương, thực hiện tốt bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch, chất lượng giáo dục. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học, ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều giải pháp chuyên môn, trong đó có tổ chức dạy học trên truyền hình, trực tuyến, giao bài. Đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 9, lớp 12, hướng đến mục tiêu chuẩn bị tốt nhất cho các em trong tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Trên cơ sở sự chuẩn bị của ngành Giáo dục và thực tiễn nhiều năm tổ chức kỳ thi, đến thời điểm này, với phương án dự kiến năm nay của Bộ GD&ĐT, cá nhân tôi cho rằng, UBND tỉnh đang trong tâm thế chủ động, sẵn sàng tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh khẳng định.
Yếu tố quyết định thành công của kỳ thi
Về công tác chuẩn bị, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết: Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT tập trung tốt công tác chuyên môn; Tăng cường trách nhiệm và sự chủ động trong công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của tỉnh ngay khi Bộ GD&ĐT có văn bản chính thức về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Cùng với đó, tập trung triển khai nghiêm túc, đúng quy trình các công tác trọng tâm. Trong đó có công tác tuyên truyền cho kỳ thi: Tập trung tuyên truyền những thay đổi của kỳ thi (nguyên nhân của sự thay đổi, tác động của sự thay đổi đó với thí sinh. Những việc thí sinh và cơ sở Giáo dục cần chuẩn bị cho kỳ thi...). Thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các cơ sở Giáo dục. Lên phương án tổ chức thi (bố trí điểm thi, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi (an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh và công tác bảo mật). Đặc biệt là chuẩn bị nhân sự cho kỳ thi - đây là khâu có vai trò quyết định.
Cùng với đó, triển khai quán triệt quy chế thi theo các hướng dẫn và quy định của Bộ GD&ĐT. Thành lập Hội đồng thi, các ban của Hội đồng, công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi. Chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin khu vực sao in đề thi; các điểm thi; khu vực chấm thi bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo mật, nghiêm túc. Thực hiện nghiêm túc coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp THPT và giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ tất cả các khâu, các quy trình; công tác phối hợp với địa phương, sở ban ngành có liên quan (Công an, Tài chính, Điện lực, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Báo đài, UBND cấp huyện...). Cùng với đó, chú trọng nhiệm vụ quan trọng khác như: Đăng ký và nhập liệu; công tác dạy và học, kiểm tra học kỳ II bảo đảm đúng thực chất; chỉ đạo ôn thi tốt nghiệp THPT; tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ...
“Nếu các công tác trên được chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc, chặt chẽ; quá trình triển khai thực hiện đúng quy định gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu và người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và chất lượng. Với nội lực và truyền thống chăm lo cho giáo dục của cả hệ thống chính trị, tôi tin chắc rằng tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 an toàn, nghiêm túc, xã hội có thể tin tưởng và sử dụng kết quả của kỳ thi” – Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh khẳng định.