Chiều 5/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đăng đàn trả lời chất vấn.
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, đa số vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao.
Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, cần bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị cho vận động viên; ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho vận động viên thành công.
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). |
Do đó, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ?
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao. Thực tế đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao.
Tuy nhiên, để giải quyết việc làm căn cơ cho vận động viên thể thao cũng còn nhiều khó khăn. Không phải tất cả các vận động viên đều được trở về các cơ quan để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý.
Vì vậy, về lâu dài, cần tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau cho các vận động viên sau khi giải nghệ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. |
Đối với chất vấn của đại biểu về phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng cho rằng "câu chuyện này không đơn giản".
Thời gian tới, cần tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng. Không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển. Cấp Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao.
Về phía địa phương, khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung, có chính sách cho nghệ nhân, bởi họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình này.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung kết nối các loại hình nghệ thuật truyền thống với du lịch. Coi sản phẩm du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa, để tạo ra hiệu ứng lan tỏa, qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, để có điều kiện phát triển loại hình này.