ĐBQH kiến nghị điều hành xăng dầu cần năng động, linh hoạt và hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng điều hành xăng dầu cần năng động, linh hoạt và hiệu quả hơn...

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Ngày 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Tại tổ TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi - nêu ý kiến, có một số vấn đề cần Trung ương nhận diện, có giải pháp như: vụ việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) xảy ra vừa qua. Theo đó, vụ việc SCB không chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh nhưng tác động đến địa phương rất lớn.

Đối với vấn đề xăng dầu, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhìn rộng ra đó là an ninh năng lượng. Vấn đề dự trữ năng lượng có được đặt ra để đầu tư cơ sở hạ tầng cho tương xứng hay không. Đây là vấn đề đề nghị các đại biểu tập trung phân tích.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đại biểu cho rằng, điều hành xăng dầu cần năng động, linh hoạt và hiệu quả hơn. Ông kiến nghị xem xét rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành giá để không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu trước mỗi kỳ điều hành. Đồng thời, điều hành có hiệu quả để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Cũng theo đại biểu, trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu còn phức tạp, khó lường, Quốc hội có thể xem xét, trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời điểm không diễn ra các kỳ họp của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề về thuế xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ có giải pháp tái cấu trúc mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường bất động sản. Đối với trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu đánh giá, đây là kênh huy động vốn rất tốt cho doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế rõ ràng, minh bạch để tăng tính hiệu quả, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Ông cũng kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Tại tổ TP Hồ Chí Minh, các đại biểu cũng thảo luận về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua nhưng chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. Một số đại biểu cũng cho rằng vấn đề thu nhập, chế độ đãi ngộ cho nhân viên ngành y tế đã đặt ra thời gian qua nhưng trên thực tế chưa có cải thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.