Tại buổi giao ban báo chí tháng 4/2019 diễn ra vào sáng 8/4, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thông tin về tình trạng trên địa bàn còn nhiều đối tượng cử tuyển là người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa được bố trí việc làm. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí cho ngân sách, gây bức xúc cho các đối tượng và cho gia đình các em.
Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc Nghệ An cho biết: Cách đây 15, 20 năm HS cử tuyển ra trường là đáp ứng ngay được yêu cầu tại Nghệ An. Nhưng thời điểm 5 năm trở lại đây, chất lượng giáo dục ở các huyện miền núi của tỉnh đã tốt hơn trước. Nhất là ở các trường dân tộc nội trú tỉnh và một số trường học khác nên số học sinh là người DTTS thi đỗ vào các trường ĐH rất nhiều.
Số HS là người DTTS thi đỗ ĐH và tốt nghiệp ra trường hàng năm cộng thêm số HS đi cử tuyển về ngày càng tăng. Trong khi hiện nay nhiều đơn vị, địa phương đang thực hiện chính sách giảm biên chế, nên áp lực giải quyết việc làm cho số đối tượng cử tuyển là rất lớn.
Trong khi đó, thi tuyển vào làm việc trong các đơn vị, địa phương thì phải theo Luật Công chức và các quy định hiện hành khác, dẫn đến số đối tượng cử tuyển khi tốt nghiệp ra trường rất khó khăn trong tìm việc làm. Nhiều đối tượng cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường nhiều năm nay nhưng vẫn đang thất nghiệp. Đây là một thực tế tại tất cả các huyện miền núi ở Nghệ An.
Từ những bất cập trên, ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc Nghệ An rằng, trong chính sách cử tuyển cho nên đặt ra vấn đề phải điều chỉnh chính sách này theo hướng giảm bớt đối tượng cử tuyển.
Số liệu của Sở Nội vụ Nghệ An cho thấy, từ năm 2005 - 2009, Nghệ An có 884 em là người DTTS được cử đi cử tuyển. Trong số đối tượng cử tuyển đã có 844 em tốt nghiệp ra trường, tuy nhiên đến nay tỉnh mới chỉ bố trí được việc làm cho 274 em, chiếm 32,25%.